Doanh nghiệp phần mềm lo mất thị trường Nhật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhật Bản là thị trường truyền thống cho hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam, nhưng "miếng bánh" này đang có nguy cơ bị thu nhỏ khi mà nguồn nhân lực phần mềm trong nước ngày càng thiếu... chất.

Tại hội thảo về Phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác lâu dài Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đã đưa ra con số: 75% khối lượng hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là gia công phần mềm. Trong 10 năm qua, thị trường gia công phần mềm của Việt Nam đối với Nhật Bản đã tăng từ 0,4% (năm 2004) lên đến gần 4% trong những năm gần đây, tuy nhiên số liệu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Khảo sát của Hiệp hội người dùng tại Nhật Bản khẳng định, hơn 40% doanh nghiệp nước này sẽ tăng đầu tư vào mảng CNTT với giá trị gần 300.000 tỷ Yên Nhật và 58,8% doanh nghiệp dự kiến tăng cường đầu tư vào mảng này. Đây được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm cũng như dịch vụ cho thuê nguồn nhân lực phần mềm.
 

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nguồn nhân lực CNTT hiện nay của Việt Nam không ít người cảm thấy lo ngại. Về số lượng thì không hề nhỏ, tính đến hết năm 2010, Việt Nam có trên 250.000 nhân lực CNTT. Trong đó, phần cứng là gần 128.000 người, phần mềm là gần 72.000 người, và nội dung số là gần 51.000. Về đào tạo, cả nước có 227 trường đào tạo với khoảng gần 60.000 sinh viên CNTT được tuyển sinh hàng năm. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lại rất bi quan về chất lượng đào tạo. Cuộc khảo sát của VINASA với 21 cán bộ quản lý nhân sự tại 21 doanh nghiệp về tình hình và chất lượng nhân sự cho thấy, tỷ lệ tuyển dụng thành công tại các doanh nghiệp chỉ chiếm 5 - 10% và phần lớn người được hỏi cho biết doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo từ 1 - 3 tháng cho nhân sự tuyển dụng mới. Hiện có một khoảng cách lớn giữa yêu cầu của doanh nghiệp và trình độ của nguồn nhân lực, chưa kể đến những rào cản về ngôn ngữ, hiểu biết hạn chế về môi trường kinh doanh, thiếu kỹ năng mềm… khiến các nhà tuyển dụng e ngại.

Một điều đáng quan ngại là trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên chọn ngành CNTT có chiều hướng giảm từ 10% vào năm 2008 xuống chỉ còn 6,8% vào năm 2011. So sánh tương quan với các ngành kinh tế và quản trị, ngành CNTT chỉ thu hút một phần nhỏ nhân lực. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT cho rằng, một chương trình chất lượng cao, tiến sát chuẩn quốc tế sẽ là một "điểm sáng" trong đào tạo CNTT hiện nay.

Để không "mất" thị trường Nhật Bản nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp không nên "chờ sung" mà cần  chủ động trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân lực phục vụ cho nhu cầu của chính mình. Với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, việc chủ động tạo nguồn cung nhân lực không phải là chuyện quá khó nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đây lại là chuyện lớn! Vì vậy, về lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, chương trình đào tạo phải sát với thực tế để "cung" sát với "cầu" của doanh nghiệp.