Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp phía Nam kêu gọi, hỗ trợ lao động trở lại làm việc

Thanh Huy – Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các tỉnh, thành phía Nam đã nhanh chóng bắt tay triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN đã quan tâm vận động, thuyết phục, tập hợp công nhân quay trở lại làm việc trong giai đoạn bình thường mới.

Công nhân Công ty TNHH MTV Nhất Gỗ (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) trở lại làm việc sau thời gian nghỉ hoạt động để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Huy
Có chính sách hỗ trợ công nhân
Là địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19, từ tháng 9/2021 tỉnh Đồng Nai đang từng bước thực hiện kế hoạch phục hồi các hoạt động kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội song song với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Hiện tại, trên 92% số DN tại các KCN tỉnh Đồng Nai đang phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc.

Sau hơn nửa tháng được Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho phép hoạt động sản xuất trở lại, đến nay, Công ty CP Taek Wang Vina (đóng tại KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai) đã có 25.000 công nhân trên tổng số 32.000 công nhân đi làm trở lại. Ông Định Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taek Wang Vina cho biết, công ty có chính sách hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc đủ 5 ngày thì thưởng thêm 1 ngày lương, chuyển tiền trực tiếp ngay vào tài khoản của công nhân, đồng thời thưởng thêm một gói thực phẩm an sinh.

Ông Định Sỹ Phúc cho biết thêm, khi công ty bước vào phục hồi sản xuất cũng là giai đoạn cao điểm hoạt động của ngành thời trang. Vì vậy, rất nhiều đơn hàng tồn đọng trước dịch đã được công ty xử lý liên tục. Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, công ty đã chia ra 3 khung giờ làm việc, thực hiện giãn cách, mỗi khung lệch nhau từ 30 – 60 phút, giờ ra về, ăn trưa, giờ đi làm của công nhân không bị trùng nhau.

Còn tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), hiện nay đã thu nhận được 31.000 trên tổng số 42.000 lao động quay trở lại phục hồi sản xuất. Đây là DN gia công ngành giày da, có số lao động lớn, nguy cơ xuất hiện F0, F1 cao. Trong thực tế, vào giữa tháng 10/2021 công ty này vừa phát sinh ổ dịch với hơn 40 ca F0 được đưa đi điều trị. Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết, ngay sau đó, công ty đã kịp thời chấn chỉnh các khâu tổ chức kiểm soát nhân sự, thực hiện nghiệm quy trình phòng, chống Covid-19, cũng như chuẩn bị sẵn khu cách ly cho trường hợp F1 với đầy đủ trang thiết bị, vật dụng cần thiết. Đặc biệt, công ty chăm lo bữa ăn cho người lao động bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng. Đồng thời, tạo công việc cho số lao động trong thời gian bị cách ly.

Không lơi là công tác phòng dịch

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã thực hiện Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được gần một tháng, tuy nhiên, các DN sản xuất vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường. Trước khi dịch bệnh diễn ra, toàn TP có hơn 470.000 DN đăng ký hoạt động. Sau khi TP mở cửa, đã có khoảng 150.000 lao động quay lại làm việc, nâng tổng số công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao.

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 23/10 do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện, có 2 nhóm vấn đề đáng quan tâm cần giải quyết hiện nay. Đó là DN gặp khó khăn khi đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và thiếu hụt lao động sau giãn cách, giá đầu vào tăng cao do phải áp dụng quy định sản xuất an toàn.

Tổng Giám đốc Công ty G.C Food Nguyễn Văn Thứ cho rằng, cả nước đã chia mức độ an toàn thành các vùng xanh, vàng, cam và đỏ thì cũng cần phải quy định rõ ràng các hoạt động được trở lại theo từng vùng, tránh tình trạng những DN có cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương không theo kịp các văn bản quy định về phòng, chống dịch. “Để chủ DN yên tâm mở cửa sản xuất thì hành lang pháp lý rõ ràng, không thể để DN hiểu sao cũng được” – ông Thứ chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng nhận định, việc mở cửa trở lại sau một thời gian giãn cách là điều rất vui nhưng cũng đáng lo. Thực tế trong những ngày gần đây, số ca dương tính trong cộng đồng tăng. Do đó, ông Cao Tiến Dũng cũng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cùng lãnh đạo DN, khi bước vào trạng thái bình thường mới cũng phải chuyển trạng thái quản lý mới. Theo đó, các DN và người lao động không được chủ quan, nêu cao công tác phòng dịch, tạo điều kiện để nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Để tiếp tục đồng hành với chính quyền và DN, các cấp Công đoàn tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung triển khai hỗ trợ gói an sinh của Công đoàn cho đoàn viên, người lao động khó khăn. Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện nhanh nhất để người lao động được nhận hỗ trợ từ các gói an sinh của Chính phủ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 để người lao động yên tâm trở lại làm việc.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập