Vừa làm, vừa ngóng
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023 và ngay sau đó là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là thời điểm thị trường sôi động nhất trong năm, do nhu cầu mua sắm của mọi người dân tăng cao. Đây cũng là cơ hội để các DN kích cầu tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời điểm này, nhiều DN sản xuất đã chủ động tăng công suất, các nhà bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng chuẩn bị nhập các nguồn hàng, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng…
Ghi nhận tại Công ty sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên (Quốc Oai), không khí sản xuất đã nhộn nhịp ở tất cả các khâu. Anh Dương Đình Khôi – người đứng đầu DN này cho biết, sản phẩm của Công ty hiện nay có miến khô và miến quà tặng. Công việc của cơ sở sản xuất quanh năm, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,5 tấn miến thành phẩm. Ngoài bán ở thị trường trong nước, công ty đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật, Đức, Đài Loan... Hiện công ty đã bắt đầu nâng công suất lên gấp đôi để phục vụ cho các đơn hàng đặt dịp cuối năm, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn miến khô. “Năm nay giá nguyên liệu đều tăng cao khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, công ty vừa làm vừa thăm dò thị trường để có mức giá phù hợp nhất trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay” – anh Dương Đình Khôi chia sẻ.
Tương tự, Giám đốc khối hành chính – nhân sự Công ty Acecook Việt Nam Phạm Văn Nam cho biết, đơn vị đã bắt đầu tăng 20% công suất của nhà máy sản xuất hàng phục vụ dịp cuối năm. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng các sản phẩm tại DN hầu như chưa tăng giá, dịp Tết này cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Hiện Acecook tiếp tục tung ra thị trường nhiều gói sản phẩm quà tặng tiện lợi như miến, mì ăn liền, viên canh ăn liền…
Những tín hiệu sản xuất tích cực cũng được ghi nhận ở khối ngành dệt may, da giày. Theo Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh cho hay, lượng hàng tồn đã giảm khoảng 30-40% so với thời điểm đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng. Hiện các DN da giày đang lên kế hoạch tăng công suất, trông đợi thị trường tiêu thụ sẽ sôi động hơn vào dịp cuối năm. “Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên các DN vẫn thận trọng trong việc sản xuất, chưa dám tuyển dụng lao động ồ ạt trở lại” – ông Nguyễn Văn Khánh cho biết.
Trước những biến động của thị trường, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, hàng loạt chi phí về nguyên vật liệu, vận chuyển, nhân công… có xu hướng tăng, nhiều DN chọn phương án “vừa làm, vừa ngóng” để có kế hoạch sản xuất cụ thể, cân đối sản lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu thị trường.
Khơi thông nguồn vốn
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức, DN bị bủa vây bởi khó khăn, Chính phủ đã phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả chỉ đạo tháo gỡ rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang đánh giá, cao sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua. Thời điểm này các DN đang cần nguồn lực lớn để đầu tư nân công suất. Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, trong thời điểm này các DN vẫn đang rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, sát sườn hơn để có thể vực dậy đón sóng tiêu dùng cuối năm. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội lãi suất 0% để trả lương người lao động, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động, giãn hoãn các khoản vay, đồng thời có giải pháp hạ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn”.
Để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phân phối hàng hóa, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương và DN, nhà sản xuất, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa, quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng miền, đa dạng hóa kênh bán hàng, cùng nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Việc triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng tăng tỷ trọng hàng Việt vào kênh bán lẻ, bình ổn thị trường - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ nay đến cuối năm, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình lạm phát mặc dù đã chững lại song vẫn ở mức cao tại các thị trường, trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao. Do đó, các DN nên thận trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.