Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm Gỡ khó chính sách Thuế VAT cho phân bón Việt Nam diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội.
Theo Luật 71, nông dân khi mua phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được giảm 5% thuế VAT, còn các doanh nghiệp sản xuất phân bón không những không được giảm mà còn phải chịu thuế VAT đầu vào từ 6,5 - 7%. Điều này đã khiến cho giá phân bón nhập khẩu rẻ hơn phân bón trong nước. Nhiều DN sản xuất phân bón trong nước bị lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyên Dương |
Cụ thể, từ khi Luật 71 có hiệu lực vào tháng 1/2015, nhập khẩu ure tăng 652.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với trước khi có Luật 71. Riêng 7 tháng năm 2016, lượng ure nhập khẩu tăng gần 500.000 tấn (hơn 4,5 lần) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà máy sản xuất trong nước điêu đứng, giảm công suất tối đa như: Ure Ninh Bình từ 550.000 tấn giảm xuống còn 150.000 tấn, thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng; Công ty phân đạm Hà Bắc có công suất 500.000 tấn, giảm công suất xuống 40%, giá ure bán ra giảm 20%, thiệt hại 889 tỷ đồng; Công ty Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn phân bón, nay chỉ bán được 2.000 tấn, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng…
Tại hội thảo, các DN bức xúc chia sẻ, có nhiều nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam hiện đang được đầu tư nhà xưởng, công nghệ hiện đại nhưng khấu hao chưa có mà giá thành sản phẩm thời gian qua liên tục hạ. Việc áp thuế VAT như hiện nay là không công bằng nên các doanh nghiệp rất ngại đầu tư. Mặc dù giảm thuế VAT đầu ra là ủng hộ cho nông dân nhưng lại vô tình mở cửa cho phân bón nước ngoài hưởng lợi, gây khó khăn cho các DN trong nước. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty CP DAP Đình Vũ), hiện DN đang gặp khó khăn khi giá bán của công ty hiện đang thấp hơn giá thành, nhưng chẳng còn giải pháp nên bắt buộc phải bán với giá này. “Nếu không bán theo giá thị trường như vậy thì không bán được, không bán được thì không có dòng tiền về, không có tiền để trả nợ ngân hàng, trả khấu hao cơ bản, trả lương công nhân” - ông Trung ngao ngán. Đồng thời lo ngại, điều đó dẫn đến DN không có tiền để tái sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất phân bón, các kiến nghị tập trung cần được cân đối quyền lợi giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng, đồng thời mong muốn Quốc hội sửa lại Luật, ít nhất cũng phải áp dụng thuế giá trị gia tăng đầu ra là 5% để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, Luật 71 mặc dù có mục tiêu giúp người nông dân, song qua thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, gây thiệt hại lớn cho các DN sản xuất phân bón trong nước. Trong khi mục tiêu cuối cùng giúp giảm gánh nặng cho người nông dân lại không đạt được. Hội đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy, nếu kéo dài tình trạng này thì các công ty, nhà máy phân bón dễ có nguy cơ phải đóng cửa. Do đó, ông Nguyễn Hạc Thúy kiến nghị, Chính phủ sửa đổi Luật 71 cho phù hợp tình hình thực tế, kịp thời bù đắp thiệt hại của nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón. Đây là yếu tố quan trọng, động viên giúp đỡ khuyến khích các DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng, chủ động nguồn phân bón trong nước, giá thành hợp lý mới là thiết thực phục vụ nông dân, nông nghiệp nông dân.