Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp số “soán ngôi”?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra dù DN có muốn thay đổi để thích ứng hay không. DN kinh doanh trên nền tảng internet sẽ thay cho các DN kinh doanh bằng cách phương thức truyền thống. Đây là sự “soán ngôi” được mong muốn xảy ra càng nhanh càng tốt.

 Tập đoàn FPT giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại một sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Lượng nhiều, chất yếu

Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho các quốc gia, nhưng DN Việt đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng này. PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần “tiến quân” của Việt Nam vào Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) lên rất cao, song, cách thức triển khai còn ít nhiều mang tính “phong trào”. Hiện có gần 700.000 DN tư nhân. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về khu vực DN tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”, DN vẫn ở vị trí thứ yếu về doanh thu kinh tế số do chủ yếu mới nhập cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số.
Theo khảo sát gần đây do Grant Thornton thực hiện, hơn 2/3 (69%) CFO và giám đốc điều hành tài chính cấp cao đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào các công nghệ giúp tăng tốc thay đổi kinh doanh, và 4/10 cho biết có kế hoạch tăng hơn 10% trong 12 tháng tới. Chỉ dưới một nửa cho biết các khoản đầu tư chuyển đổi kỹ thuật số vượt qua sự cạnh tranh thông qua sự khác biệt. Còn IDC ước tính, 40% của tất cả các chi tiêu công nghệ sẽ dành cho chuyển đổi kỹ thuật số, các DN toàn cầu đã chi vượt quá 2.000 tỷ USD đến năm 2019 cho chuyển đổi kỹ thuật số.

Theo khảo sát công nghiệp chế tác trong Ueki (2019), 35% DN Việt Nam chưa có kế hoạch áp dụng ICT cho quản lý chuỗi cung ứng (Thái Lan 38%) và 77% DN không chia sẻ dữ liệu về hoạt động nhà máy với khách hàng hoặc nhà cung ứng (Thái Lan 40%). Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động bền vững vào năm 2020 có thể đạt, hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt là làm sao DN Việt Nam thực sự lớn, trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân DN là rất lớn, song DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng, bằng sự quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động.

Thay đổi để bắt kịp

Các chuyên gia cho hay, dù chưa đầy đủ, nhưng 3 hợp phần chính trong khái niệm kinh tế số, đó là: Hạ tầng kinh doanh điện tử; Kinh doanh điện tử và Thương mại điện tử. Công nghệ cao và “số hóa” đã lan tỏa đáng kể trong cộng đồng DN, tạo cơ hội bứt phá cho tất cả những DN biết “tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại”. Có thể kể đến những tập đoàn khẳng định sẽ thực sự là tập đoàn số trong thời gian ngắn như Viettel, FPT, CMC, Vingroup, Thaco, Vinagame, TH-TrueMilk…

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng chia sẻ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra dù DN có muốn thay đổi để thích ứng hay không: “Chỉ khoảng 5 - 10 năm nữa, DN truyền thống Việt Nam sẽ chết chìm trong cơn bão chuyển đổi số toàn cầu, giống như con ếch bị chết từ từ và êm ái trong nồi nước đun sôi”. Do đó, nếu không muốn “chết yểu”, DN không có cách nào khác phải thay đổi nhận thức từ, ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số trong mọi mặt của hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị, năng suất, trải nghiệm cho khách hàng.

Để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, TS Nguyễn Mạnh Hải (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) cho rằng, quản lý Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh tế chia sẻ, bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật về hợp đồng số; đảm bảo an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử. Đặc biệt, các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các DN, các hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho DN nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ DN thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...