Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN ra - vào thị trường tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm của người lao động, bởi DN và doanh nhân là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế - xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, DN đang hoạt động đã tăng lên nhờ tăng tốc khởi nghiệp.

Kết quả tích cực

Rõ nhất là số DN đăng ký thành lập mới đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, khi vượt qua mốc 112,7 nghìn, tăng 31,9% hay tăng 27,3 nghìn DN. Điều đó thể hiện sự hồi phục của kinh tế sau khi thay đổi chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19. Số DN khởi nghiệp tăng là tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra.

Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất phụ kiện xe máy tại Công ty TNHH nhựa Hạ Long, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải

DN đăng ký thành lập mới nhiều nhất và tăng lên do hai nguyên nhân chủ yếu. Tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân rất cao, mặc dù đã bị “bào mòn” sau hơn 2 năm do đại dịch Covid-19. Việc phòng, chống đại dịch chuyển hướng về chiến lược, thì môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, với sự hỗ trợ về tài khóa – tiền tệ của Nhà nước cộng hưởng để việc khởi nghiệp tăng tốc.

Số DN khởi nghiệp lại (DN quay lại hoạt động) tăng rất cao (56,1% hay tăng 18152 DN). Những ngành có số DN quay trở lại hoạt động nhiều nhất là Thương mại (chiếm 37,3%), Xây dựng (chiếm 12,5%), Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11%).

Tăng trưởng khởi nghiệp lại so với cùng kỳ đạt được ở 17/17 ngành, trong đó những ngành tăng nhiều nhất là: Thương nghiệp (7247 DN), Xây dựng (1576 DN), Công nghiệp chế biến chế tạo (1560 DN), Dịch vụ ăn uống (1108 DN), Dịch vụ khác (1021 DN), Kinh doanh bất động sản (771 DN), Dịch vụ việc làm (1021 DN), Giáo dục – đào tạo (725 DN)… Điều này thể hiện ý chí kiên cường, không chịu thất bại, vượt khó đứng dậy của doanh nhân và sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Tổng số đăng ký thành lập mới và số quay trở lại hoạt động (gia nhập hoặc quay trở lại thị trường) đạt số lượng lớn (163.300 DN), tăng trưởng cao (38,5% hay tăng 45.430 DN), nhiều hơn hẳn số ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường.

Còn nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh

Hạn chế đối với các DN hiện có nhiều. Số DN tạm ngừng kinh doanh còn rất nhiều và tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó 10 ngành có tới trên 1.000 DN, nhiều nhất là: Thương mại 22.856 DN; Xây dựng 8.932 DN; Công nghiệp chế biến chế tạo 7.361 DN; Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 4.465 DN; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ khác 3.636 DN; Vận tải kho bãi 3.425 DN, Dịch vụ lưu trú ăn uống 3.309 DN, Kinh doanh bất động sản 2.095 DN, Giáo dục và đào tạo 1.527 DN, Thông tin và truyền thông 1.493 DN.

Các DN tuy đang hoạt động nhưng hiện gặp khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra. Theo đó ở đầu vào, khó khăn lớn là vốn hoạt động thiếu, chi phí sản xuất tăng và cao, lao động trở lại hoạt động ở các địa bàn trung tâm vẫn chưa được như trước đại dịch.

Vốn thiếu từ ngân hàng do còn nợ xấu, nợ dây chuyền (từ ngân hàng, chứng khoán,…) do các DN có hiệu quả hoạt động thấp, với tỷ suất lợi nhuận bình quân chung thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng. Chi phí đầu vào tăng, khi giá nhập khẩu bình quân tăng rất cao (so với cùng kỳ quý III tăng 5,92%, tính chung 9 tháng tăng 6%).

Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất ở mức cao gấp đôi chỉ số giá tiêu dùng (quý III tăng 3,32%, 9 tháng tăng 2,73%). Lao động ở các khu công nghiệp, các đô thị lớn vẫn còn thiếu… Giá vận tải, kho bãi quý III tăng 12,44%, 9 tháng tăng 8,01%, trong đó dịch vụ vận tải đường thủy tăng tới 10,54%, riêng dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng tới 14,28%; dịch vụ vận tải đường hàng không tăng tới 32,57%.

Rủi ro tỷ giá tác động đến DN về hai mặt. Một mặt là chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng kép (vừa tăng khi tính bằng USD, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng). Những DN vay ngoại tệ nay tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm cho chi phí và trả nợ bằng VND sẽ tăng theo.

Ở đầu ra, tuy xuất khẩu hàng hóa 9 tháng tiếp tục tăng khá (17,3%), nhưng đã chậm lại so với 8 tháng (18,2%); dự báo cả năm chỉ tăng khoảng 15%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá (tăng 9,31%), thì lượng xuất khẩu chỉ còn tăng 8,1%,… Về tiêu dùng, tuy tốc độ tăng khá cao, nhưng có một phần do gốc so sánh là cùng kỳ năm trước ở mức rất thấp.

Tâm lý “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện trong đại dịch, nay tuy đã giảm, nhưng vẫn còn lớn, việc sử dụng sản phẩm tự cấp, tự túc trước đại dịch giảm, nhưng do số gốc so sánh thấp, nên dù tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay, nếu loại yếu tố tăng giá thì lượng vẫn còn tăng cao 8,1% - ngược chiều so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (giảm 6,6%).

 

Số DN đang hoạt động tăng thêm trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 45.430 DN; số DN đang hoạt động tính đến cuối tháng 9/2022 đạt trên 908,15 nghìn DN. Kỳ vọng cả năm sẽ vượt 930 nghìn DN. Những kết quả tích cực về DN đã góp phần để tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm 2020, 2021. Đây cũng là tiền đề cả năm 2022 tăng trưởng sẽ vượt xa mục tiêu cả năm (6 - 6,5%).