Doanh nghiệp "than" với Thủ tướng lãi suất còn cao, kiến nghị giảm tối đa thuế, phí

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các DN, hiệp hội và địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid – 19. Các DN, Hiệp hội đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng xin hỗ trợ để công nhân sớm được tiêm vaccine, kéo dài thời gian giảm thuế, phí cho DN, đồng thời được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi…

Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế phí cho doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra gần 12.000 DN tại 63 tỉnh, TP mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các DN.

Vì thế, VCCI cho rằng, việc Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 (gọi tắt là Dự thảo) trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, DN đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh.

 VCCI kiến nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022. Ảnh minh hoạ 

Theo đề xuất trong Dự thảo, các giải pháp hỗ trợ về thuế gồm: Giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2021 đối với DN trong một số ngành, lĩnh vực; giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021. Nhưng VCCI cho rằng, sớm nhất phải đến quý I/2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, DN sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất-kinh doanh của mình. Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam: Đề nghị giảm chi phí lưu thông hàng hoá 

Theo kết quả khảo sát nhanh tại thời điểm từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8/2021 đối với 162 DN gỗ trên địa bàn các địa phương: TP Hồ Chí Minh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, với tổng số lao động gần 68 nghìn người trước dịch, cho thấy: có 84/162 DN đã tạm ngừng hoạt động. Nhiều DN phải giảm công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 20-40% tổng số lao động thực tế, nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu của DN cũng giảm mạnh, tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang thực hiện sản xuất theo phương thức 3T; cho phép DN được tiếp cận nguồn vaccine tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho công nhân, kinh phí sẽ do các DN và Hiệp hội tự chi trả.

Đề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho DN như: Được giảm, hoãn nộp thuế Thu nhập DN và các loại thuế liên quan và hoãn nộp Bảo hiểm xã hội; Được miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm; Được phép gia hạn nợ, giãn nợ, cơ cấu lại khoản nợ mà không bị ảnh hưởng tới nhóm nợ nhất là đối với các khoản nợ phát sinh từ sau 30/6/2020…

Đề nghị Bộ Công thương có hướng dẫn quy định danh mục hàng hóa được lưu thông, trong đó có nguyên, vật liệu của ngành gỗ, tránh trường hợp bỏ sót hoặc hiểu sai quá trình áp dụng tại các địa phương về lưu thông những mặt thiết yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan có giải pháp tháo gỡ để giảm khó khăn về tăng giá cước vận chuyển (đặc biệt là thuê tàu, container cho DN xuất khẩu).

Ông Vũ Đức Giang (Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam): Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Dịch Covid -19 đã làm thay đổi, đảo lộn cả ngành công nghiệp dệt may. Rất nhiều DN phải chấp nhận dừng sản xuất làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Các DN cho rằng cần có quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại DN, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ, bộ ngành địa phương tập trung nguồn vaccine tiêm cho người lao động. Với những địa bàn đã qua 14 - 24 ngày không có ca nhiễm mới cần cho DN được mở cửa hoạt động, kêu gọi người lao động vào làm việc, tạo sự tin tưởng cho các nhãn hàng, DN tự chịu trách nhiệm áp dụng mô hình sản xuất.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kép, trong 4 tháng cuối năm, Chính phủ và các bộ ngành cần chung tay hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Trong đó, ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội giảm tối đa thuế, phí, ngân hàng không nên hạ mức tín nhiệm của DN mà cần giãn thời gian trả nợ đến hết năm 2021 - 2022, giảm lãi suất...

Chủ tịch hội đồng quản trị  Công ty CP Bệnh viện đa khoa Sun medical Việt Nam -TS. Lê Minh Long: Vẫn khó tiếp cận vốn ưu đãi, lãi suất còn cao

Hiện nay tất cả các DN vừa và nhỏ đều có quan hệ tín dụng và vay ngân hàng với lãi suất từ 10,5 đến 12,5 % năm, mức khá cao so với thế giới và khu vực và hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong nguồn thu do dịch bệnh Covid 19 kéo dài liên tục, cộng thêm việc thực hiện các lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ. Trong khi gần trăm nghìn DN phá sản, giải thể, chết lâm sàng, thì các ngân hàng đều báo lãi hàng chục nghìn tỷ đồng, 

DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp hỗ trợ, chỉ đạo hệ thống ngân hàng, cho phép các DN được giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất trong thời suốt thời gian dịch bệnh, ngừng sản xuất kinh doanh,  không bị chuyển thành nợ xấu và được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về tài chính của Chính phủ để có thể giữ chân người lao động và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Một vấn đề nữa, hiện nay có rất nhiều người lao động nước ngoài hợp pháp ở Việt Nam “Có giấy phép đầu tư, giấy phép lao động, nộp thuế” trong các DN liên doanh, nước ngoài và gia đình họ, vậy trong chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid – 19 toàn dân của Chính phủ thì các đối tượng này có được xem xét tiêm không? và nếu có thì đầu mối tiếp cận nằm ở đâu? 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần