Doanh nghiệp thêm lo khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khó tìm vốn ở kênh chứng khoán, dẫn đến việc nhiều DN tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn, trong khi lãi suất cho vay có thể tăng do lãi suất huy động đang lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm %, lên mức 5,66%. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất tiết kiệm tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kênh tiết kiệm hút khách hàng cá nhân.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Như vậy, tiếp tục duy trì đà tăng kể từ tháng 11 năm ngoái, tiền gửi dân cư trong tháng 2 đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Nhìn vào kết quả kinh doanh trong quý I/2022 mới công bố của các ngân hàng cho thấy, doanh số huy động tăng mạnh. Đơn cử tại ABBank con số này đạt 150% kế hoạch đề ra. Dòng tiền huy động vẫn đang tiếp tục tăng; BIDV trong quý I, huy động vốn đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%. Còn tại MB, số dư huy động từ khách hàng hơn 96.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước...

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.

Trong khi đó, do hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần phục hồi và phát triển sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhu cầu vốn của DN để đầu tư vào dự án, mở rộng nhà máy, nhập thêm nguyên vật liệu… đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc khó tìm vốn ở kênh chứng khoán, dẫn đến việc nhiều DN tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng khiến cho thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Trước đó, đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, nếu so với mức tăng 2,16% của quý I/2021 thì tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái. Như vậy, chỉ trong 25 ngày của tháng 4, tín dụng vào nền kinh tế đã tăng thêm gần 180.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 7.100 tỷ đồng/ngày.

Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. DN đang khát vốn rẻ tìm không ra, vẫn phải chờ đợi. Các DN lo ngại về xu hướng lãi suất tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ họ lại phải gánh thêm chi phí

Hầu hết DN vẫn chưa phục hồi hẳn sau đại dịch, nếu chi phí tăng cao sẽ dẫn đến thu hẹp hoạt động, thực tế này đòi hỏi những giải pháp căn cơ trong thời gian tới nhằm giải quyết khó khăn cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Valid: True