Doanh nghiệp thờ ơ bảo vệ môi trường - vì sao?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất xả thải gây ảnh hưởng và hủy hoại nghiêm trọng môi trường, nhưng chỉ bị phạt hành chính. Chính vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng, chế tài chưa đủ mạnh thì tội phạm trong lĩnh vực này vẫn rất khó răn đe, xử lý.

Vi phạm tiếp tục gia tăng

Dư luận cho đến giờ vẫn còn chưa hết bức xúc với vụ việc Công ty Vedan hủy hoại sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty Tung Kuang xả nước thải, gây ô nhiễm môi trường ở Cẩm Giàng (Hải Dương)… Nếu so sánh mức độ tàn phá môi trường mà các DN gây ra thì mức xử phạt của cơ quan quản lý là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vedan bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là 267,5 triệu đồng, trong khi TungKuang cũng chỉ bị phạt 312,1 triệu đồng.

Đó là những vụ vi phạm môi trường đã bị phơi bày trên báo chí, nhưng vẫn còn hàng trăm vụ việc vi phạm ở mức độ thấp hơn đang diễn ra trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề… thậm chí, ngay trong khu dân cư. Gần đây, hơn 30 hộ dân ở tổ 1B, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) gửi đơn khiếu nại Công ty CP Lâm sản Bắc Kạn sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường, làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Hàng trăm hộ dân xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cũng đang khổ sở khi phải chịu đựng mùi hôi thối do ô nhiễm môi trường từ nước thải của DN tư nhân Tấn Nhất Phương, chuyên mua bán, kinh doanh, sơ chế thủy sản gây ra…

 
Nguồn nước xả thải của các xưởng dệt, nhuộm vải tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. 	Ảnh: Trần Anh
Nguồn nước xả thải của các xưởng dệt, nhuộm vải tại phường Dương Nội, quận Hà Đông. Ảnh: Trần Anh

Rõ ràng, DN mới chỉ thấy lợi ích trước mắt mà chưa nhìn thấy hậu quả lâu dài của việc xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang (Bộ Công Thương), các DN chưa thực sự hiểu lợi ích của sản xuất sạch hơn đối với lợi nhuận của DN mà đơn thuần cho rằng, sản xuất sạch đồng nghĩa với việc xây thêm hệ thống xử lý chất thải làm tăng thêm chi phí sản xuất. Họ cũng chưa nhìn ra trách nhiệm của mình đối với môi trường mà cho rằng bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước

Khảo sát tại nhiều cơ sở sản xuất cho thấy, bộ phận kiểm toán và hạch toán nội bộ trong DN còn rất yếu nên không đo đếm được mức chi phí mất đi theo chất thải. Do vậy, chủ DN không nhận thấy sự cần thiết áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm chất thải, đồng thời giảm chi phí sản xuất. "Chỉ cần tính toán mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra thì họ sẽ không tiếc tiền mua mới máy móc để sản xuất sạch" - bà Giang nhìn nhận.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang chính sách

Đã có khá nhiều chính sách về bảo vệ môi trường được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh - Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, cơ chế chính sách của Việt Nam vẫn chưa nhiều sức nặng để cưỡng chế DN tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, do đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, không ít nguồn lực đầu vào sản xuất (đặc biệt là giá nước và nhân công) của Việt Nam còn quá rẻ so với nhiều quốc gia nên các DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ông Thanh lấy ví dụ, ở Úc, từ thập niên 90 thế kỷ XX, Chính phủ đã có lộ trình tăng giá nước để khuyến khích các DN sản xuất áp dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm.

Do đó, bên cạnh việc tăng mức xử phạt đối với những DN vi phạm các quy định bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cũng nên xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích DN sản xuất sạch hơn. Không chỉ bằng việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn, đội ngũ giám sát quy trình sản xuất sạch, những chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao kiến thức nguồn nhân lực, hỗ trợ về thiết bị… cũng là những giải pháp cấp thiết cần có hiện nay để Việt Nam hướng tới nền sản xuất sạch hơn, phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.