Doanh nghiệp tìm cách “sống chung” với Covid-19

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 8/9, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngoài những giải pháp của Chính phủ và các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết các phương thức kinh doanh, tìm kiếm giải pháp để tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

 Các đại biểu tại Diễn đàn.
 
Khủng hoảng nặng nề sau làn sóng dịch thứ tư
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trải qua những tác động của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. 
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

 Các đại biểu tham gia Diễn đàn.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư không những khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa mà ngay cả các doanh nghiệp đang hoạt động cũng trong tình trạng èo uột, cầm chừng. Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cho biết, chỉ trong vòng 10 ngày từ 12-22/8, theo kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và báo điện tử VnExpress thực hiện với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, có tới 69% doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh, 16% hạn chế hoạt động một phần; chỉ có 15% hoạt động được bình thường, phần lớn rơi vào các doanh nghiệp ở các tỉnh chưa áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội. Cũng theo khảo sát, có tới 50% doanh nghiệp không ước tính được phải tạm đóng cửa trong thời gian bao lâu. 
Hiện nay, ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu có cả triệu người lao động không có công ăn việc làm, không thể về quê, dự trữ tiền chỉ kéo dài được 1-2 tháng…
Giải pháp nào cho doanh nghiệp
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và rất khó dự đoán. Do đó, cả xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng đều không thể sống “không Covid”. Điều cần thiết lúc này là phải tìm giải pháp sống chung với Covid -19.
Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT Hoàng Nam Tiến, hiện có nhiều doanh nghiệp đang "học" tự nhiên, đó là "ngủ đông tích cực" khi chủ động cắt giảm chi phí, có sự chuẩn bị cho tương lai, duy trì đội ngũ cán bộ chủ chốt, chuẩn bị tự đào tạo để sẵn sàng khi "tỉnh giấc" có thể phát triển trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ ngủ đông được khi khách hàng cũng ngủ đông và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ngủ đông. Vì thế, doanh nghiệp cần phải có vaccine.
Mũi tiêm thứ nhất của FPT đó là eCovax với 3 tiêu chí: Không chạm (hạn chế tối đa tương tác trực tiếp bao gồm cả tương tác trong nội bộ và với các đối tác, khách hàng), không gián đoạn (đảm bảo hiệu suất làm việc không bị suy giảm, các luồng vận hành vẫn trôi chảy như cũ hoặc tốt hơn), không bị động (làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt ứng biến linh hoạt với các thay đổi của bối cảnh/ thị trường). “Mũi tiêm đầu tiên này sẽ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và triển khai miễn phí trong năm đầu tiên. Không chỉ FPT mà các công ty viễn thông, công nghệ hiện nay đã và đang triển khai các mũi tiêm này” – ông Tiến cho biết. 
Còn theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới.
 Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu tại Diễn đàn.
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng; duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế. Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Nói về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, mới đây VCCI đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước tác động của Covid-19. Nhiều đề xuất được đề nghị bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, VCCI cũng kiến nghị các chi phí về phòng, chống dịch bệnh của doanh nghiệp để duy trì sản xuất, nhất là trong thời kỳ giãn cách tại một số địa phương theo Chỉ thị 16 cần được coi là khoản hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
 
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19” - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần