Tăng lương kèm theo chế độ thưởng
Thị trường lao động tại Hà Nội đang dần phục hồi trong những tháng cuối năm 2021. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tuyển dụng của các DN càng lớn. Theo ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm này, các DN tuyển dụng nhiều lao động ở những ngành nghề như Thương mại – Dịch vụ, lao động sản xuất. Thương mại điện tử, Tài chính ngân hàng, Văn phòng là những nhóm ngành được các đơn vị tuyển dụng nhiều hơn.
Người lao động đang ứng tuyển trực tiếp tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội số 215 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc |
Các DN cần nhiều người lao động (NLĐ) trong khi nguồn ít nên đã thông qua nhiều kênh để tìm ứng viên, trong đó Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Chị Nguyễn Ngọc Thúy – Phó Chánh văn phòng Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã đến Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội với hy vọng tuyển dụng được nhân sự phục vụ cho hệ thống bán lẻ của siêu thị. Tuy nhiên, cả buổi sáng tham gia phiên trực tuyến chị Ngọc Thúy chưa tiếp xúc được với ứng viên nào vì sau giãn cách xã hội nhiều NLĐ đã về quê. “Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng 20 chỉ tiêu ở vị trí trưởng phòng kinh doanh, kế toán, nhân viên bán hàng. Mức lương tháng của vị trí trưởng phòng kinh doanh 15 – 17 triệu đồng; nhân viên kế toán 15 – 20 triệu đồng; nhân viên bán hàng 6 – 8 triệu đồng. Ngoài mức lương cứng, NLĐ còn được thưởng theo doanh thu kinh doanh” - chị Ngọc Thúy cho hay.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành tạo nguồn tuyển cho doanh nghiệp và cơ hội ứng tuyển cho người lao động. Ảnh: Thủy Trúc. |
Thời điểm cận Tết, việc tuyển dụng lao động vô cùng khó khăn nên ngoài mức lương cơ bản, các DN còn có thưởng theo doanh số, phần trăm hoa hồng. Những thông tin này đều được DN thông báo cho NLĐ biết khi phỏng vấn trực tuyến. Thậm chí, dù DN đã công bố tiền lương, trong quá trình phỏng vấn, NLĐ vẫn được quyền thỏa thuận để có mức thu nhập phù hợp với kinh nghiệm và khả năng của mình. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư công nghiệp Thuận Phát có nhu cầu tuyển dụng nhân viên cơ điện, nhân viên kinh doanh, lái xe giao hàng và nhân viên nhà bếp với mức lương 6 – 15 triệu đồng/tháng, tùy theo từng vị trí. “Khi phỏng vấn, công ty thấy ứng viên có kinh nghiệm và triển khai công việc tốt hơn thì sẽ chấp nhận mức lương phù hợp hơn. Mức lương tuyển dụng năm nay cao hơn năm trước, bởi hằng năm công ty đều tăng lương 5 – 7%. Ngoài ra, những ai làm việc hiệu quả, có cải tiến giúp công ty tiết kiệm chi phí và đạt kết quả tốt hơn sẽ được tăng lương đột xuất. Bên cạnh lương, công ty còn có chế độ cho NLĐ đi du lịch, chỗ ở trong khu ký túc xá” – chị Vũ Thị Hạnh – Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Đầu tư công nghiệp Thuận Phát cho hay.
Người lao động tìm việc qua kênh chính thống
Việc tuyển lao động khó khăn do khan hiếm nguồn nhân lực nên các đơn vị, tổ chức, cá nhân tận dụng các trang mạng xã hội để đăng tin. Theo khảo sát của phóng viên, trên facebook Tìm việc làm lao động phổ thông tại Hà Nội, Việc làm lao động phổ thông tại Hà Nội, Việc làm Sơn Sơn, Đông Anh, Hà Nội... đăng tải rất nhiều thông tin tuyển dụng lao động giao hàng dịp Tết, đóng gói bánh kẹo, tuyển nhân viên bán hàng, sản xuất, lắp ráp cho công ty tại Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội)... Thậm chí, cùng một thông tin tuyển dụng lao động được đăng tải nhiều lần trong ngày, cho thấy các DN đang rất cần người làm việc. Bên cạnh những thông tin nêu rõ tên công ty, tuyển dụng vị trí nào, mức lương bao nhiêu, chế độ ra sao, yêu cầu đối với NLĐ ứng tuyển từng vị trí; lại có những chỗ đăng tuyển ghi rất sơ sài, đại loại như: “Tuyển lao động phổ thông lương 8 – 10 triệu đồng, công việc nhẹ nhàng, nghỉ Chủ nhật, liên hệ số điện thoại....” hay “Việc nhẹ, lương cao, gọi đến số điện thoại....” khiến NLĐ cả tin nghe theo lời mời chào đó, có thể bị mắc lừa, làm việc trái pháp luật.
Doanh nghiệp đang phỏng vấn người lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành. Ảnh: Thủy Trúc. |
Trao đổi về việc những thông tin tuyển dụng nhiều chiều được đăng tải trên các trang facebook, zalo, khiến người ứng tuyển lúng túng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng: Thời đại công nghệ số, trên mạng có rất nhiều thông tin chính xác và chưa chính xác. Vì thế, trước khi lựa chọn vị trí việc làm nào đó ở DN thì NLĐ phải tìm hiểu thật kỹ về nguồn thông tin. Cụ thể là DN hoạt động trong lĩnh vực gì; tính chất và loại hình của công việc; yêu cầu đối với vị trí việc làm. Và để bảo đảm trong việc tìm kiếm việc làm, NLĐ nên liên hệ đến kênh chính thống là Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ được tư vấn cụ thể nhất về các vị trí việc làm, điều kiện làm việc, mức lương, hợp đồng... để tiếp nhận vị trí làm việc cho phù hợp. “Khi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận thông tin từ phía DN thì đã có sự kiểm duyệt và đánh giá và tư vấn cho đơn vị đưa ra yêu cầu đối với từng vị trí việc làm. Đây chính là sự tư vấn, hỗ trợ tốt cho NLĐ để tìm kiếm được công việc phù hợp, tin cậy” – ông Vũ Quang Thành cho biết.
Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hoạt động đồng bộ từ sàn chính (Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội) đến 14 sàn vệ tinh tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Hoạt động tại Sàn chính và 14 sàn vệ sinh đều như nhau, từ công tác tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm hằng ngày, chuyên đề, lồng ghép, thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu. Do vậy, NLĐ có thể đến Sàn chính hoặc 14 sàn điểm vệ tinh để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động và ứng tuyển trực tuyến với đơn vị tuyển dụng qua đó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân.