Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lao đao vì dịch tả lợn

Lâm Nguyễn – Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 5 tháng bùng phát, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn chưa được khống chế. Không chỉ gây tổn thất cho các hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ, dịch bệnh này đang xâm nhập ngày càng sâu rộng vào các DN, trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn.

 Chăn nuôi lợn tại một trang trại huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay bệnh DTLCP đã xảy ra tại 60/63 tỉnh, TP. Tổng số lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là trên 2,8 triệu con, với trọng lượng khoảng 166.105 tấn. Tại Hà Nội, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 25.047 hộ chăn nuôi (chiếm 31% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn TP). Tổng số lợn của Hà Nội đã bị tiêu hủy là 429.029 con (chiếm khoảng 23% tổng đàn), với trọng lượng 29.442 tấn.
Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, đến nay, cả nước đã có 359 xã thuộc 138 huyện của 29 tỉnh, TP đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Riêng tại TP Hà Nội, đã có 23 xã, phường thuộc 11 quận, huyện có bệnh DTLCP qua 30 ngày không phát sinh mới.

Đáng chú ý, bên cạnh các hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, bệnh DTLCP đang có chiều hướng thâm nhập sâu vào các DN, trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn. Điển hình là tại “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất của cả nước là tỉnh Đồng Nai, mới đây đã phát hiện ổ DTLCP lên tới 20.000 con. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, trước khi phát hiện ổ DTLCP lớn nhất cả nước này, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận DTLCP xâm nhập vào các trang trại quy mô 5.000 – 7.000 con.

Không chỉ tại tỉnh Đồng Nai, tại các tỉnh, TP đã có DTLCP đều ghi nhận các ổ dịch với tổng đàn bị tiêu hủy lên tới hàng ngàn con. Riêng tại TP Hà Nội, đến nay cũng đã ghi nhận ít nhất 70 trang trại, cơ sở chăn nuôi có quy mô trên 200 con bị DTLCP xâm nhập. Trong đó, trang trại có tổng đàn lợn bị dịch tả châu Phi lớn nhất được ghi nhận tại huyện Sóc Sơn với khoảng 5.000 con bị tiêu hủy.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đối với lợn buộc phải tiêu hủy do bị dịch, các trang trại này đều được hỗ trợ giá bằng 80% giá thị trường theo quy định. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, đối với một số DN và trang trại gia công cho DN chăn nuôi lợn lớn thì hiện chưa thể thực hiện hỗ trợ. Điều này khiến nhiều DN chăn nuôi rơi vào tình cảnh hết sức lao đao.

Để ứng phó với DTLCP lan rộng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP, theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Trong đó, có nội dung hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Hiện, các tỉnh, TP, bao gồm cả Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát, thống kê, sớm triển khai công tác hỗ trợ theo quy định, kịp thời giúp các DN vực dậy sản xuất sau DTLCP.