Doanh nghiệp ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19: Tỏa sáng trách nhiệm với cộng đồng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy lùi đại dịch Covid-19, toàn xã hội đồng lòng, trong đó từ DN nhỏ, siêu nhỏ đến các tập đoàn lớn, tùy theo khả năng đều ủng hộ tiền của, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế chung tay cùng Chính phủ.

Đặc biệt, những ngày qua, liên tiếp nhiều DN đã tiên phong ủng hộ Chính phủ để mua hàng triệu liều vaccine phòng dịch.
Bản lĩnh gọi tên

Dịch Covid-19 kéo dài, số ca mắc cũng như các trường hợp F1, F2 gia tăng nhanh chóng mỗi ngày. Nhu cầu vaccine phòng dịch tăng cao, với kinh phí lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 hôm 26/5 của Chính phủ được coi là giải pháp cấp thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu để triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng cho Nhân dân.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc các tập đoàn, DN, doanh nhân... thể hiện tinh thần vì cộng đồng cũng như trách nhiệm xã hội. Việc chung tay đóng góp cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 vì một xã hội an toàn chính là cách bảo vệ DN của mình, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
 Cộng đồng doanh nghiệp chung tay ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh
Vào lúc “nước sôi, lửa bỏng” này, những cái tên quen thuộc thường góp mặt trong các chương trình an sinh xã hội một lần nữa lại khẳng định bản lĩnh tiên phong. Đầu tiên phải kể đến là Vingroup hôm 21/5 đã trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (khoảng 1.800 tỷ đồng), cùng tham gia đóng góp chương trình tiêm vaccine cho toàn thể Nhân dân Việt Nam chống lại dịch bệnh. Trước đó, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng ngừa Covid-19 “Made in Vietnam” COVIVAC cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.

Tập đoàn Vingroup là một trong những DN tiên phong trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch như dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... với số tiền lên tới trên 1.200 tỷ đồng trong năm 2020. “Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng về kinh tế - xã hội toàn cầu. Với trách nhiệm vì cộng đồng, Vingroup đã luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch" - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho biết.

Một cái tên khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên cũng đã tích cực hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng. Đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng cả nước “chống dịch như chống giặc”, mới đây, Petrovietnam đã quyết định hỗ trợ Quỹ vaccine phòng Covid-19 kinh phí 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, công nhân viên Petrovietnam đã quyên góp 2 tỷ đồng hỗ trợ cho Nhân dân hai tỉnh đang là điểm nóng hiện nay là Bắc Giang và Bắc Ninh phòng, chống dịch Covid-19...

Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng

Dù đang là một trong những DN có nhân viên nhiễm Covid-19, nhiệm vụ phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị yêu cầu ngày càng cao, song Tập đoàn T&T vẫn hướng đến trách nhiệm cộng đồng, sẻ chia cùng Chính phủ cũng như người dân. Điều đó được thể hiện ở việc, ngày 25/5 vừa qua, đại diện Tập đoàn T&T Group đã trao tặng 1 triệu liều vaccine cho Bộ Y tế. "Với 1 triệu liều vaccine ủng hộ cho Bộ Y tế, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bổ sung thêm nguồn lực cần thiết để Chính phủ và người dân cả nước chống lại Covid-19 một cách hiệu quả” – đại diện Tập đoàn T&T Group chia sẻ.

Bên cạnh nguồn hỗ trợ trên, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội SHB (T&T Group là cổ đông lớn) cũng trao tặng 15 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua vaccine phòng chống dịch Covid-19. Đến với người dân Bắc Ninh và Bắc Giang, T&T Group đã ủng hộ, hỗ trợ 2 tỉnh tổng 1.000 tấn gạo và 5 tỷ đồng để phòng chống dịch. Thời gian tới, T&T Group sẽ tiếp tục trao tặng Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh hệ thống ECMO trị giá 3,5 tỷ đồng để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19... Chỉ tính riêng trong năm 2020, T&T Group và các DN trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển cũng đã ủng hộ hơn 70 tỷ đồng cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ cần mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỷ đồng; còn tiền vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, việc các tập đoàn, DN tiếp tục hỗ trợ vào Quỹ mua vaccine Covid-19 để làm sao người dân được tiêm chủng vaccine, góp phần đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường là việc làm hết sức thiết thực trong tình hình dịch bệnh hiện nay, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Cộng lực với Chính phủ

Mặc dù đang phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất nhưng nhiều DN, doanh nhân vẫn sẵn sàng tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine nói riêng và công cuộc chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh nói chung. Động thái của các DN minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng với mong muốn sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu đánh giá, hiện không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Đặc biệt, về vaccine Covid-19, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Nhưng phải mở ra một kênh nữa là vaccine DN. “Tôi đánh giá cao việc các DN vừa rồi đã ủng hộ chung tay cùng Chính phủ để mua vaccine phòng dịch Covid-19” - ông Hiếu nói. Theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vaccine. DN nên được quyền chủ động tiêm vaccine từ nguồn DN tự chi trả. Nhà nước kiểm soát về mặt an toàn, ở hai khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vaccine. Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về vaccine DN cần phải rất nhanh. Đây là "liều thuốc" nên được ưu tiên số một hiện nay.

Theo các chuyên gia, để sớm dập dịch, khôi phục kinh tế, Chính phủ nên nuôi dưỡng ngồn lực bằng việc tiếp tục động viên DN vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất, kinh doanh. Một trong các gói giải pháp, về mặt chống dịch cần quan tâm đến vaccine. Vaccine chưa phải là tất cả nhưng là giải pháp tốt nhất hiện nay, nếu chúng ta chậm triển khai sẽ chậm chân so với thế giới. Do vậy, ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, nên có cơ chế để DN tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho người lao động.

Có thể khẳng định, các hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống Covid-19, đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, cộng đồng DN đã và đang góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ. Các DN mong muốn cộng lực với Chính phủ và cộng đồng để có được nguồn lực dồi dào phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19 hiệu quả, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trong đó, quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn ngân sách bảo đảm theo phân cấp; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.


"Để đưa xã hội trở lại cuộc sống bình thường cần phải có vaccine để tiêm phòng cho người dân. HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 để chung tay cùng cả nước tiếp thêm nguồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch ở nước ta." - Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần