Theo Trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing, Universal Music Việt Nam Trần Thăng Long, năm 2019, nghệ sĩ Việt Nam đầu tư từ 1 - 2 tỷ đồng cho 1 MV (music video), trong khi Thái Lan, Philippines chỉ đầu tư khoảng 300 triệu đồng/1MV. Vậy nhưng doanh thu nhạc số của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/6 Thái Lan.
Nghệ sĩ Việt đầu tư cao nên 1 năm ra 1 sản phẩm và chỉ đầu tư vào những gì thời thượng, “bắt trend”, không mạnh dạn đầu tư những dự án mang tính thể nghiệm. Đến năm 2023, các nghệ sĩ tăng ứng dụng công nghệ, có nhiều các sản phẩm âm nhạc ứng dụng công nghệ tiệm cận hơn với khu vực. Âm nhạc đến với mọi người bằng nhiều kênh, nhiều sản phẩm khác nhau.
Ông Trần Thăng Long cũng chia sẻ phương châm của Universal Music: "Chúng tôi tìm xem ở Việt Nam khán giả thích nghe âm nhạc quốc tế gì, ngược lại chúng tôi cũng phải biết cách đưa nghệ sĩ mang dấu ấn Việt Nam ra thế giới. Có những tác phẩm không quá nổi tiếng ở thế giới nhưng lại rất nổi tiếng ở Việt Nam; thị trường Việt Nam còn có tiềm năng phát triển gấp 10 lần bây giờ. Universal cũng đưa nghệ sĩ Việt phát hành chung một hệ thống với Taylor Swift, Justin Bieber…". Điều này hứa hẹn cơ hội cho nghệ sĩ quốc tế tới Việt Nam, cũng như ca sĩ Việt Nam ra nước ngoài.
Gặt hái nhiều thành công trong tiếp cận với khán giả trong nước và quốc tế từ quyết tâm vươn ra thị trường thế giới, studio phim hoạt hình DeeDee Animation có hướng đi riêng biệt. Giai đoạn đầu, DeeDee tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm chất lượng để giới thiệu ra thế giới, đưa đến các liên hoan phim, hội chợ hoạt hình của thế giới hằng năm. Chưa đủ dữ liệu, tài chính để mở các quầy ở nước ngoài nên phải đến từng hội thảo liên hệ với ban tổ chức phát video, đưa thông tin.
Đồng sáng lập DeeDee Animation Studio Lê Quỳnh Như chia sẻ: “Trên thế giới, lĩnh vực kỹ thuật số rất phẳng. Khách hàng luôn đi tìm và mong muốn có những studio làm được việc và có thể tin tưởng được. Khi cung - cầu gặp nhau, DeeDee thuyết phục đối tác bằng sản phẩm chất lượng, giá tốt hơn, thời gian làm việc linh hoạt hơn. Hợp tác thành công lần 1, họ tin tưởng hợp tác lần thứ 2, thứ 3 hoặc giới thiệu các đối tác mới. Tạo được uy tín, studio cũng tiếp cận được nguồn vốn - nhà đầu tư”.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm, dại diện Dee Dee Animation Studio cho hay, ở nước ngoài có nhiều phương thức đầu tư, như đầu tư trực tiếp vào studio, có những series đầu tư đồng sản xuất, cùng khai thác giá trị. Đơn vị nào mạnh ở khu vực nào thì khai thác ở khu vực đấy.
Đến nay, DeeDee thành công với nhiều tác phẩm hoạt hình mang âm hưởng văn hóa và lịch sử Việt Nam, đạt nhiều giải thưởng, hợp tác với nhiều đối tác lớn trên thế giới trong mảng sản xuất hoạt hình như Disney Animation Studio, Warner Bros, Shin-ei Animation (studio sản xuất Doraemon), TNS (Studio sản xuất Conan - Thám tử lừng danh).
Tuy nhiên, với những DN non trẻ, để phát triển tốt hơn, lâu dài hơn, các đơn vị vẫn cần được Nhà nước đồng hành, nhất là chia sẻ những khó khăn về mặt pháp lý, quảng bá ở các sự kiện lớn dưới thương hiệu chung của Việt Nam. Cơ quan quản lý nên có những đầu mối cụ thể để kết nối, thay vì để mạnh đơn vị nào đơn vị ấy lo... Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về chính sách, nhất là về thuế.
Ví dụ như tại Hàn Quốc, theo Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Seung-jin, Chính phủ Hàn Quốc rất hiểu việc sản xuất phim kéo dài hằng năm có thể khiến nhà làm phim khó khăn về tài chính. Chính vì thế, Hàn Quốc có những quỹ hỗ trợ các nhà làm phim về kinh phí, được xét duyệt công tâm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bỏ kinh phí để xây phim trường rồi cho nhà làm phim, các nhà sản xuất chương trình truyền hình thuê với giá rẻ… Bộ phim “Trò chơi con mực” nổi tiếng cũng được quay ở một phim trường như vậy.