Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều DN.

 Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh
Lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào

Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 5/3, Thống đốc NHNN đã ký ban hành văn bản 1370/NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay mới. Thực tế, không đợi “lệnh” của NHNN, các ngân hàng đã rục rịch giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Mở màn cho làn sóng giảm lãi suất sau Tết Nguyên đán 2021 là Vietcombank. Ngân hàng này quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2 - 22/5/2021... Đây là đợt giảm lãi suất thứ 5 của Vietcombank.

Trước đó, một số ngân hàng cũng đã giảm lãi vay và phí dịch vụ để chia sẻ với khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Cụ thể, VietinBank đã giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận để miễn, giảm lãi suất hỗ trợ cho DN và người dân... Theo Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cầu vốn của khách hàng khó kỳ vọng tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào nên lãi suất sẽ còn giảm, dù không nhiều.

Năm 2020, ngành ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm khoảng từ 1 - 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm 2020. Tại Hà Nội, mức điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ… chỉ còn 4,5%/năm.

Khó tiếp cận vốn giá rẻ

Dù mức lãi suất cho vay thấp nhất trong những năm gần đây nhưng nhiều DN nhỏ và vừa cho hay (DNNVV) vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Theo Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, rào cản để các DNNVV ở Hà Nội tiếp cận vốn vay là tài sản thế chấp, vì phần lớn các DN hạn chế điều kiện này. “Một số DN có tài sản thì đang thế chấp vay nên rất khó có tài sản khác thế chấp để vay tiếp. Song song đó, DNNVV thường ít kinh nghiệm làm sổ sách quản lý dòng tiền minh bạch để đáp ứng điều kiện vay của ngân hàng”- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết.

May mắn được vay vốn song Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí) Nguyễn Toàn Thắng cho biết, DN chủ yếu chỉ tiếp cận được các nguồn vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với lãi suất khá cao. Còn nguồn vốn vay giá rẻ tại các ngân hàng lớn thì DN này không tiếp cận được do thủ tục vay rườm rà, hạn mức thấp.

Thực tế khó khăn nằm ở chỗ không phải ngân hàng không muốn cho vay mà rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các DN hiện nay quá thấp. Chưa kể, ngân hàng đánh giá rủi ro không chỉ dựa vào quy mô, tiềm lực tài chính của DN, mà còn quan tâm đến đặc thù ngành nghề của DN đó trong bối cảnh kinh doanh mới.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng, các ngân hàng lo nợ xấu tăng nên thận trọng trong cấp tín dụng. Vì thế, để tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy thì vấn đề không phải lãi suất mà làm sao để ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn, DN đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng. “Ngân hàng cần đồng hành cùng DN thông qua việc tư vấn, thẩm định dự án, quản trị dòng tiền và thế chấp bằng tài sản phái sinh... Giải pháp này vừa giúp DN quản trị tốt nguồn vốn, đặc biệt là trong cách sử dụng nguồn vốn vay” - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Theo yêu cầu của NHNN tại văn bản 1370/NHNN, các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định tại các thông tư đã ban hành. Song song với việc áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng cũng phải báo cáo thống kê về kết quả hỗ trợ này hoặc các khó khăn phát sinh về NHNN.q

Ngân hàng thế giới (WB) thay mặt cho Quỹ Khí hậu xanh (GCF) vừa ký Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD với NHNN Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Hỗ trợ tài chính từ GCF cũng bao gồm một khoản bảo lãnh trị giá 75 triệu USD. Khoản viện trợ không hoàn lại nói trên sẽ dành 8,3 triệu USD để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Hợp phần này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để cải tiến chính sách, quy định và tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Phần viện trợ còn lại là khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tính dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.

Khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho thấy, có tới 35% DN cho rằng, khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Phần lớn DN tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, tỷ lệ DN tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Gần 90% DN cho rằng, không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp.