Dịch bệnh Covid-19 khiến hành khách đi ô tô giảm mạnh, các DN vận tải rơi vào tình trạng thua lỗ. Ảnh: Gia Minh |
Đây chỉ là một trong số rất nhiều sức ép đang dồn lên những DN vận tải hành khách bằng ô tô. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp đang tỉ lệ thuận với tình hình khó khăn của DN vận tải. Mang tiếng là sản xuất kinh doanh... nhưng mấy tháng nay các nhà xe gần như không có khách. Với những diễn biến mới như hiện nay, chẳng biết bao giờ dịch bệnh mới được kiểm soát hoàn toàn. Điều này khiến nhiều DN hoang mang, lo lắng.Đánh giá về tình hình các DN vận tải hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, hiện rất nhiều DN đang rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Thống kê của Hiệp hội cho thấy, hiện có tới hơn 30% phương tiện phải dừng hoạt động; doanh thu của các DN sụt giảm trên 50%, có thời điểm giảm sâu đến 70 - 80%. Trong đó nghiêm trọng nhất là các DN ở những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng phải giãn cách xã hội. Doanh thu gần như không có. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện nay, hầu hết các quỹ của DN kinh doanh vận tải đều đã sử dụng để hỗ trợ cho người lao động bị ngưng việc do ảnh hưởng bởi Covid-19. Đây chính là điều đáng lo ngại nhất bởi khi nguồn tài chính đã cạn kiệt, họ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN vận tải đường bộ cần phải tự chuyển mình, thay đổi hình thức kinh doanh để phù hợp với hoàn cảnh mới, như thế mới mong tồn tại được. “Việc tăng cường các chuyến bay chở hàng hóa khi hành khách đi máy bay sụt giảm cũng là một cách chuyển mình rất phù hợp của hàng không. Đường sắt cũng áp dụng cách làm này. Đường bộ hoàn toàn có thể nghiên cứu, học hỏi” – PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ. Trong khi đó, theo giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT, GS.TS Từ Sỹ Sùa, hiện nay, nền kinh tế đang chuyển sang trạng thái mới với hình thức giao dịch mới, từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến. Các DN vận tải cũng cần có sự chuyển mình theo hướng tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết để hình thành nên những chuỗi cung ứng đủ mạnh, bền vững để không bị đứt gãy lúc khó khăn. Đặc biệt, họ cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn để tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí. Có như thế mới tồn tại được trong “cơn bão” Covid-19.