Doanh nghiệp lo giá xăng dầu tăng cao
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tới 18 lần và chỉ giảm 8 lần. Tại những kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng đã tăng liên tiếp trong 2 kỳ (23/10 và 1/11). Nguy cơ giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng vào những kỳ điều chỉnh sắp tới là rất rõ nét, khi giá xăng dầu thế giới vẫn neo ở mức cao.
Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và vận tải du lịch H&D Phạm Thế Hồng chia sẻ: xăng dầu là nhiên liệu quan trọng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đó vào quý II/2022, khi giá xăng cán mốc hơn 30.000 đồng/lít, công ty và nhiều doanh nghiệp khác đã phải tăng giá cước để bù lại chi phí do giá xăng dầu tăng cao.
“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2023 sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, làm chậm quá trình mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất nhiều ngành có thể bị ngưng trệ, đặc biệt là các ngành vận tải du lịch” – ông Phạm Thế Hồng bày tỏ.
Còn theo đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart tại Hà Nội, từ đầu tháng 7/2023, đơn vị này nhận được đề nghị của hơn 100 nhà cung cấp về việc điều chỉnh tăng giá bán hàng hóa với lý do như giá điện, xăng dầu, chi phí logistics, hoặc các chi phí liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào tăng. Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm có liên quan đến nguyên liệu đầu vào như gạo, đường, dầu ăn, ngũ cốc… có xu hướng tăng. Thậm chí, có sản phẩm nhà sản xuất đề nghị tăng đến 20%.
Vị đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart tại Hà Nội cũng mong mốn, những tháng cuối năm 2023, giá xăng dầu trong nước giữ ở mức ổn định, dao động trong khoảng 22.000 - 23.000 đồng/lít để tránh tác động tới giá cả cũng như nguồn cung hành hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.
Một số doanh nghiêp xuất khẩu cũng phản ánh, hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu, xuất nhập khẩu có xu hướng tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nguyên nhiên vật liệu vẫn cao và tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, điều này đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng.
Hiện, doanh nghiệp tham gia dịch vụ thương mại hàng hóa chiếm khoảng 65% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, lượng hàng hóa phải lưu thông rất lớn. Trong khi đó, hoạt động lưu thông hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, do đó giá xăng tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Linh hoạt trong điều chỉnh giá
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu so với thời điểm quý II/2022 (thời điểm giá xăng lập đỉnh lịch sử) thì đến nay giá xăng dầu và các nhiên liệu khác có xu hướng ổn định và không có nhiều tác động tiêu cực tới lạm phát của Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan với biến động của giá xăng dầu. Bởi giá xăng tăng hay giảm có tác động rất lớn tới người dân cũng như doanh nghiệp.
Khuyến nghị về giải pháp, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, trước hết, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên Bộ Công thương - Tài chính cần chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu để ngăn đà tăng của giá xăng, bởi hiện nay, Quỹ bình ổn có số dư khá lớn. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng, dầu để điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp thực tế trong nước. Tăng cường kiểm soát các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng, dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý.
Nêu quan điểm về về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, việc giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải, cũng như làm đội chi phí vận hành của các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp sử dụng dầu diesel. Điều này sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.
Vì vậy, để hạn chế tác động từ giá xăng, dầu tăng, cơ quan quản lý cần chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng giá cả “ăn theo” giá xăng, mà thậm chí còn tăng mạnh hơn giá xăng.
Đề cập về những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng cuối năm, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.
Cụ thể là thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Giá dầu thô và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn giảm thiểu ảnh hưởng từ việc giá đầu vào nguyên liệu tăng, cần tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)