Khó chồng khó
Giám đốc Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng Trịnh Nhiên cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bối cảnh hiện nay khi nhiều tỉnh, thành đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
“Để tìm đường tiêu thụ sản phẩm, DN chúng tôi đã buộc phải mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành, việc này cũng đang gặp khó khăn do tăng chi phí vận chuyển, nhưng vẫn phải đảm bảo giá thành cạnh tranh mới tiêu thụ được. Chưa hết khó khăn, thời gian gần đây nhiều tỉnh, thành đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ hoàn toàn, hiện nay chúng tôi chỉ duy trì một số dây chuyển sản xuất” - ông Trịnh Nhiên chia sẻ.
Việc buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, không chỉ gây ra khó khăn cho DN sản xuất, ngay cả những đại lý phân phối sản phẩm VLXD cũng bị ảnh hưởng nguồn thu. Chị Bùi Thị Kim Oanh - chủ một cửa hàng kinh doanh VLXD tại đường Bưởi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến doanh thu bán hàng bị sụt giảm mạnh. Những ngày gần đây, việc tiêu thụ phải dừng lại do VLXD không phải hàng hóa thiết yếu, không được thông tuyến.
Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất gạch được chị đầu tư cách đây 3 năm trong Khu công nghiệp Bình Dương cũng phải tạm dừng hoạt động, thời điểm này đang phải bù lỗ.
|
Đa phần DN sản xuất VLXD chỉ hoạt động cầm chừng trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Doãn Thành). |
"Doanh thu của chúng tôi sắp chạm đáy, toàn bộ nhân viên bán hàng đã tạm thời cho nghỉ, nhà máy dừng hoạt động do một số DN trong khu công nghiệp đã xuất hiện trường hợp công nhân mắc Covid-19. Mặc dù không hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ công nhân nghỉ việc” - chị Bùi Thị Kim Oanh nói.
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Betonlab Việt Nam Đỗ Văn Hải, hiện đơn vị đang hoàn thành nốt những đơn hàng ở một vài địa phương chưa phát sinh dịch. Hoạt động sản xuất của DN vẫn chỉ duy trì ở mức cầm chừng.
“Chúng tôi có một nhà máy sản xuất ở xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đang thực hiện phương án "3 tại chỗ", bộ phận khác, đặc biệt là bộ phận thi công đều đang tạm thời phải nghỉ việc” - ông Đỗ Văn Hải cho hay.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở hầu hết DN sản xuất VLXD, kể cả tập đoàn lớn. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, từ thời điểm thực hiện lệnh giãn cách xã hội, những địa phương có nhà máy của tập đoàn đang hoạt động, đều thực hiện “3 tại chỗ” (ăn - ở - sản xuất) tại nhà máy. Những bộ phận khác đều được bố trí làm việc trực tuyến tại nhà, đảm bảo giãn cách, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Trông chờ từ cơ chế
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành văn bản hỏa tốc về những nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gửi Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, bao gồm: Sắt thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... là một trong 4 nhóm hàng thiết yếu được ưu tiên lưu thông tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là thông tin vui đối với những DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VLXD.
"Những địa phương chưa phát sinh dịch nên nhu cầu xây dựng còn nhiều, tôi mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước sẽ ban hành cơ chế cho phép lưu thông, tạo "luồng xanh" đối với những đơn vị cung cấp VLXD vận chuyển hàng hóa liên tỉnh (trong đó đơn vị, lái xe thực hiện nghiêm, đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh) đảm bảo nguồn cung, tránh đứt, gãy chuỗi sản xuất, DN vẫn có thể bám trụ, không rơi vào cảnh nợ nần, dẫn tới nguy cơ phá sản" - chị Bùi Thị Kim Oanh cho biết thêm.
Đa phần các chuyên gia xây dựng cho rằng, tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho ngành xây dựng và những đơn vị cung ứng VLXD cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an sinh xã hội, khi nhiều DN buộc phải cắt giảm hoặc cho công nhân nghỉ việc tạm thời, sẽ làm nhóm đối tượng này mất đi nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Trong khi ngành sản xuất VLXD phục hồi cũng sẽ chậm hơn những ngành khác, nếu dịch bệnh đi qua thì cũngcần từ 6 tháng, thậm chí 1 - 2 năm mới phục hồi.
Không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình trạng dịch kéo dài, khiến các địa phương buộc phải kéo dài thêm thời gian giãn cách, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa nói chung, VLXD nói riêng bị đình trệ, hàng hóa khan hiếm. Rất có thể sẽ xảy ra một đợt tăng giá VLXD sau thời gian hết giãn cách, vì vậy người dân, DN xây dựng cần chủ động phương án để tránh rơi vào tình trạng bị động hoặc không thể tiếp tục hoạt động sau khi hết giãn cách xã hội. Cùng với đó cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm bình ổn giá cả thị trường.
"Dịch bệnh và giãn cách xã hội đang ảnh hưởng rất lớn lên ngành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VLXD. Nhưng chúng tôi đều chung quan điểm rằng, luôn có cầu vồng trong cơn mưa, dịch bệnh sẽ giúp DN bộc lộ thực lực của mình. Đây là một cuộc sàng lọc lớn để khi cơn bão Covid-19 qua đi, những DN hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn" - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Đinh Hồng Kỳ. |
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là khu vực chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 với tỷ lệ DN bị tác động lên tới 86,1%. Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, phần lớn DN đều phải thực hiện chính sách tiết giảm chi phí sản xuất, cân đối nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường, huy động vốn đầu tư. Ngoài ra, cũng cần mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định uy tín trên thương trường. |