Doanh nghiệp Việt bỏ quên sân nhà

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp (DN) Việt nên quan tâm đến việc khai thác và giữ thị trường trong nước cho chính bản thân mình. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng.

Tiềm năng nhưng chưa được chú trọng
Nếu search google với từ khóa "bỏ quên thị trường nội địa" sẽ thấy hàng loạt đầu báo: "Cá tra bỏ quên thị trường nội địa", "Thị trường gạo nội địa bị bỏ quên", "Doanh nghiệp đồ gỗ: Bỏ quên thị trường nội địa", "Thủy sản vẫn bỏ quên thị trường nội địa", "Dệt may Việt Nam bỏ quên thị trường nội địa"... Câu chuyện này đã nói cách đây 10 năm trước nhưng đến nay vẫn không thay đổi. DN vẫn bỏ quên thị trường nội địa, trong khi DN ngoại ngày một thống lĩnh mạnh hơn.
 Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm hàng Việt tại siêu thị Big C. Ảnh: Việt Linh
Trong khi hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam, các DN Việt dường như vẫn còn thờ ơ với thị trường này. Các DN lớn thì quá chú trọng xuất khẩu hàng hóa mà bỏ quên thị trường nội địa giàu tiềm năng, còn các DN nhỏ thì làm ăn kiểu “chộp giật” đánh mất dần thương hiệu, lòng tin của người tiêu dùng trong nước.

Trong tuần qua có nhiều thông tin mới về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội lo lắng, với cam kết tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã mở cửa cho tất cả các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Đây sẽ là thách thức không chỉ của các DN bán lẻ mà của tất cả các DN Việt Nam. Tại hội thảo phát triển tiêu thụ thị trường nội địa mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa đầy tiềm năng nhưng lại chưa được chú trọng, chỉ khi xuất khẩu khó khăn các DN mới nghĩ đến.

Điểm tựa để doanh nghiệp tiến xa hơn

10 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.612,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,79%). Điều đó cho thấy niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều triển vọng nhưng so với quy mô dân số trên 90 triệu người thì mức chi như trên vẫn còn khá khiêm tốn. Sự tăng trưởng của thị trường nội địa mấy năm qua chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đô thị, trong khi thị trường nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước với quy mô tiêu dùng cao gấp 3 lần so với thành thị nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được khai thác triệt để.

"Hiện có nhiều ngành DN trong nước phát triển rất tốt, hình thành được những tập đoàn và "đại gia" nhưng ít "đại gia" tiêu biểu cho việc tổ chức mạng lưới phân phối tốt. Do đó, Nhà nước phải làm sao khuyến khích các "đại gia" phân phối trong nước phát triển tốt. Điều này sẽ giúp phát triển tốt việc tiêu thụ hàng hóa trong nước. " - GS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế

Theo IGD Research, Việt Nam được dự đoán đến năm 2021 sẽ dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi châu Á với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) 37,4%, cao hơn hẳn các quốc gia trong khu vực khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (CARG dưới 10%). Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam còn khá lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, trước hết cần nghiên cứu và phân tích kỹ những cam kết mở cửa dịch vụ phân phối mà nước ta đã cam kết khi gia nhập. Điểm mấu chốt cần quan tâm chính là chất lượng sản phẩm phải được nâng cao và giá cả sao cho phù hợp nhất. Thực tế, các DN Việt khi phân khúc sản phẩm cho người tiêu dùng nội địa lại không đặt chất lượng ngang hàng với hàng xuất khẩu. Cũng có DN đồng thời làm hàng cho thị trường trong nước nhưng yêu cầu về lao động hay về nguyên liệu đầu vào lại thấp hơn hàng xuất khẩu.

Tổng Giám đốc một DN thủy sản chia sẻ: Biết là tiềm năng, nhưng thị phần trong nước đã được các DN đi trước chiếm lĩnh. DN đi sau càng khó khăn hơn. Điều khó nhất để thành công ở thị trường trong nước là xây dựng hệ thống phân phối tốt. Đối với những DN xuất khẩu do theo thói quen làm theo đơn đặt hàng và có bạn hàng lâu năm mua sẵn nên lúng túng khi muốn mở rộng thâm nhập thị trường nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần