Buổi tiếp xúc tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), biến đổi khí hậu, năng lượng sạch… Ngoài ra, DN hai nước cũng ký kết một số thỏa thuận hợp tác. Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, chuyến công du của Tổng thống Obama đến Việt Nam ở thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, vì Hiệp định TPP đang được xem xét để phê chuẩn. TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng 2 nước. Không những thế, khi TPP được triển khai đầy đủ, sẽ mở đường cho nền kinh tế số, tăng cường sức mạnh cho các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới; đồng thời góp phần tạo nên sân chơi bình đẳng không chỉ đối với các DN, mà kể cả các nhà đầu tư…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Chia sẻ với các DN Việt Nam, ông Michael Froman, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nên cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, quan tâm tới các vấn đề liên quan tới đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động, thực hiện các thỏa ước với người lao động, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường… Cũng theo ông, không thể duy trì những rào cản hay chướng ngại vật nào để kiềm chế sự phát triển của các DN nhỏ và vừa. Các DN cần phải được đối xử công bằng, được tạo ra một sân chơi bình đẳng để cùng tham gia cạnh tranh với những cơ chế và luật chơi minh bạch… Trả lời câu hỏi của bà Virginia Foote - Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ về tầm nhìn của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Việt Nam là một thành viên của ASEAN, là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hàng hóa nước ngoài nếu có thể vào Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường rộng lớn này. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong và ngoài nước. Hàng hóa Việt Nam cũng sẽ vươn tới được những thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, EU... Vì vậy, sau khi trở thành thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành thành viên của một số khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, sau khi gia nhập WTO, chúng tôi cũng nhận thấy chính sách quản lý của Việt Nam thay đổi tích cực. Nếu có thể tham gia FTA thế hệ mới chất lượng cao như TPP, sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của mình”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng tin tưởng, với việc mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi cam kết thuế nhập khẩu bằng không, Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.