Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội tại thị trường nội địa

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thị trường nội địa luôn tăng trưởng 2 con số. Điều đó cho thấy, nếu được khai thác hiệu quả, thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, góp phần kích thích sản xuất.

Tổng mức bán lẻ tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%). Kết quả trên cho thấy, thị trường nội địa đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hàng Việt, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu còn nhiều khó khăn, thiếu hụt đơn hàng.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, nếu tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số thì thị trường trong nước là “bệ đỡ” cho doanh nghiệp bù đắp sự suy giảm về xuất khẩu.

Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại TTTM AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại TTTM AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, theo Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt, với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu cũng hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn.

Ngành gỗ nội thất là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế nhưng từ cuối năm 2022 đến nay các doanh nghiệp gỗ nội thất không thể xuất khẩu do thiếu đơn hàng trầm trọng. Thông tin từ Bộ Công Thương, trong 8 tháng qua kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,3 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 8 tháng qua, ngành gỗ mới hoàn thành được gần 50% mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD của cả năm 2023.

Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị đã dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là giải pháp cứu cánh cho hoạt động xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành Lê Hải Liễu chia sẻ, ngay từ cuối năm 2022, công ty đã triển khai làm hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ giúp cho nhà máy duy trì sản xuất.

Người tiêu dùng mua thịt tại siêu thị Go! Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thịt tại siêu thị Go! Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

"Nếu như những năm trước, tỉ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-88% so với tổng doanh thu, thì hiện doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%" - bà Liễu chia sẻ.

Kích cầu trong nước giúp doanh nghiệp vượt khó

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023. Thời gian qua, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, Chính phủ đã có nhiều chính sách và tạo điều kiện cho giao thương hàng hoá nội địa thông thoáng hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, giảm giá sản phẩm.

Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023. Ảnh: Hoài Nam

Chẳng hạn, việc Quốc hội quyết định thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, giúp hàng hoá trên thị trường giảm 1,7%. Quyết định này ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm còn gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận hàng giá rẻ.

Để gia tăng hiệu quả hoạt động ngay tại thị trường nội địa, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ còn chưa đầy 4 tháng để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu đề ra như mở rộng thị trường. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi các siêu thị, trung tâm thương mại cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Cụ thể,  tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, xây dựng mối liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại TTTM AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua nông sản Việt tại TTTM AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

Để có thể phục hồi cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, các địa phương đều sẵn sàng 1 kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, để kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn và tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Lan Phương cho biết, hiện đơn vụ đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, gấp đôi năm trước và còn tiếp tục bổ sung thêm trong thời gian tới. Trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra  vào dịp Black Friday, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Không chỉ Hà Nội, Sở Công Thương các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi các sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga  thông tin, từ nay cho đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tỉnh thành phố và sở công thương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho Tết nguyên đán 2024. Để gia tăng hiệu quả hoạt động ngay tại thị trường nội địa doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hoá sản phẩm với giá cả cạnh tranh. Tạo sự liên kết để có được chi phí hợp lý nhất ở các công đoạn nhằm giúp hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước nhanh và hiệu quả.