Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các cấp, ngành đã nỗ lực vào cuộc của để hạ nhiệt nguồn cung xăng dầu nhưng DN vẫn kêu còn nhiều bất cập, khó khăn.

Người dân xếp hàng đổ xăng tràn ra cả lòng đường trong những ngày nguồn cung khó khăn tại cây xăng trên đường Nguyên Hồng. Ảnh: Khắc Kiên
Người dân xếp hàng đổ xăng tràn ra cả lòng đường trong những ngày nguồn cung khó khăn tại cây xăng trên đường Nguyên Hồng. Ảnh: Khắc Kiên

1001 lý do

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các thương nhân đầu mối xăng dầu, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu, đề nghị các DN gửi ý kiến về kịp thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định và Nghị định số 83 và Nghị định số 95, gửi về Bộ trước ngày 20/11/2022.

Góp ý kiến về nội dung này, đại diện một số DN phân phối xăng dầu cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các DN bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0, thậm chí âm hơn 1.000 đồng/lít tại kho đầu nguồn.

Lý do bởi đầu mối nhập khẩu cũng bị lỗ do giá trong nước thấp hơn so với giá thế giới khi nhập về và chi phí vận chuyển về Việt Nam chưa được tính đúng tính đủ. Với chiết khấu như trên, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa, nhưng càng bán càng lỗ.

“Từ tháng 7 đến nay, DN lỗ hàng tỷ đồng, tính ra mỗi tháng lỗ hơn 1 tỷ. Tiền lãi ngân hàng mỗi tháng hàng trăm triệu. Nếu tiếp tục như bây giờ, chúng tôi sẽ sớm phá sản” - đại diện một DN cho hay.

Trong khi đó, theo Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 8/12/2015, mức tính chi phí thực phải trả lên tới 1.217 - 1.341 đồng/lít xăng và 1.130 - 1.254 đồng/lít dầu bao gồm giá từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng.

“Trước đây, chiết khấu trong khoảng 800 - 1.000 đồng/lít thì bù được chi phí cho DN, song chưa có lãi. Mấy tháng nay, giảm xuống 0 đồng, thậm chí có lúc âm, chúng tôi lỗ chồng lỗ” - một DN nêu ý kiến.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải cho biết, bây giờ sửa Nghị định số 95, DN rất mong chờ. Bởi, giá bán xăng dầu dựa trên nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ, kịp thời giá thành xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ.

Sau sự vào cuộc tích cực, cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) trưa 15/11 xe vẫn xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: Nguyên Dương 
Sau sự vào cuộc tích cực, cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) trưa 15/11 xe vẫn xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: Nguyên Dương 

Giá thành vận chuyển xăng dầu tư nước ngoài về cảng dầu Việt Nam và các chi phí vận tải các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn một tháng tính một lần.

Giá thành của khâu nhập khẩu lấy từ các DN đầu mối có thị phần lớn như: Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Sài Gòn Petrol.

Chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ, đối với xăng E5 và xăng A95 là 7% giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế; đối với dầu diesel là 6,5%/giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế, như vậy mới đủ bù đắp chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ của DN.

Theo đại diện DN, với tầng nấc những điều kiện liên quan đến kinh doanh xăng dầu như hiện nay, để có được giấy phép, DN tốn rất nhiều thời gian, thủ tục. Vì thế, “các DN kinh doanh xăng dầu coi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh còn quý hơn sổ đỏ”.

Từ những kiến nghị của DN, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, ngày 21/9/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN bán lẻ xăng dầu. Qua lắng nghe và tổng hợp, ngày 10/10, VINASME đã có kiến nghị do Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Tô Hoài Nam ký gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Do đó, bà Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, với vai trò là cầu nối nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước chưa coi trọng ý kiến của Hiệp hội, đánh giá đúng vị trí thành phần kinh tế tư nhân theo đúng đường lối, chủ trương. Bà Hường không đồng tình với quan điểm đổ lỗi cho DN bán lẻ không kinh doanh theo chuỗi dẫn đến thua lỗ. Một cửa hàng hết cũng phải thấy nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của cơ quan quản lý xem có đủ nguồn cung chưa?

Cửa hàng treo biển hết hàng gần trưa 16/11. Ảnh: Nguyên Dương
Cửa hàng treo biển hết hàng gần trưa 16/11. Ảnh: Nguyên Dương

Đặc biệt, theo thông tin quản lý thị trường sẽ đi kiểm tra DN bán lẻ, cửa hàng kinh doanh để tìm hiểu tại sao bán sụt giảm mà không nhìn thấy được nguyên nhân gốc. Cung khó khăn, càng bán càng lỗ, cửa hàng có 4 cột xăng dầu do thiếu buộc chỉ để 1 công nhân bán hàng, dẫn đến xếp hàng cục bộ thời gian qua. Rõ ràng, cần phải rà lại chính sách phù hợp với thực tiễn chưa, vừa đưa ra đã lỗi thời.

Với chuỗi cung ứng xăng dầu có đầu chuỗi, cuối chuỗi. Các thành phần trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng lại không được quan tâm. Bởi trong 17.000 DN xăng dầu hiện nay, các hệ thống lớn như Petrolimex, PVOIL, cũng như vài đầu mối cũng chưa chiếm đến 4.000 doanh nghiệp. Đó mới thấy vai trò của DN bán lẻ quan trọng gần với người tiêu dùng, chiếm khoảng hơn 13.000, ứng đến 80% số điểm bán hàng xăng dầu.

“Chỗ nào xa xôi, khó khăn, khúc khuỷu nhất DN bán lẻ phải đầu tư. Hiện sơ bộ thống kê Petrolimex chiếm 35% thị phần nhưng chị bán trong hệ thống, cửa hàng của tập đoàn. Trong khi nhập 50% nhưng cung cấp, phân phối và DN bán lẻ bán trực tiếp ra thị trường chịu tới 60% sản lượng xăng dầu sẽ rõ” - vị này nói.

Do đó, việc nói không nằm trong chuỗi thì cần xem lại. Các điều kiện kinh doanh hiện nay đang trói chân DN. Việc kiểm tra các DN đầu mối đợt tăng giá đột xuất vừa qua, một số vi phạm bị xử lý rút giấy phép 7, phạt hành chính 11 trên tổng số đang hoạt động là tỷ lệ quá nhỏ. Xăng dầu thế giới “nóng nở ra, lạnh co lại” việc kiểm tra phải theo quy chuẩn, chứ mặt hàng đặc thù sẽ bốc hơi, hao hụt…

“Việc tăng cường kiểm tra, cần thiết là rút giấy phép mà không lắng nghe, lấy ý kiến từ DN bán lẻ kinh doanh đó có phải biện pháp tối ưu. Hiệp hội và các DN mong được nhìn nhận, các văn bản đưa ra phải có ý kiến của đối tượng chịu tác động” - vị này nhấn mạnh. Vì quyền lợi chính đáng, Hiệp hội và các DN sẽ tiếp tục kiến nghị theo đúng quy định để có những trả lời và điều chỉnh hợp lý, hợp tình.

 

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được bán lẻ ở cột bơm, không được bán buôn. Điều này đồng nghĩa, nếu có khách hàng lớn là DN sản xuất gần bên cửa hàng sẽ không được mua giá bán buôn. Hay quy định cửa hàng xăng dầu chỉ được lấy hàng ở một nguồn làm triệt tiêu tính cạnh tranh của chính các DN đầu mối cũng như DN bán lẻ. Nếu muốn thay đổi thì DN phải gửi hồ sơ lên Sở Công Thương, chờ đợi thủ tục hành chính mất 20 ngày.

Chủ tịch Chi hội Xăng dầu trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Bam (VINASME) Nguyễn Thị Bích Hường