Doanh nghiệp xây dựng làm gì để bứt phá?

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua những biến động do dịch bệnh Covid-19 và chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng cần có công cụ hữu hiệu để đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới, sáng tạo để tạo ra những giá trị cao 

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến sự thay đổi nhanh chóng môi trường sản xuất, kinh doanh toàn cầu hóa và tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của doanh nghiệp. Trong môi trường này, khả năng đổi mới sáng tạo là một yếu tố thành công quan trọng và cần thiết cho hầu hết doanh nghiệp.

Những định hướng cải thiện năng suất, khả năng cạnh tranh đã chuyển từ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chất lượng sang thúc đẩy đổi mới và tinh thần sáng tạo. Ngành xây dựng cũng không ngoại lệ, rất nhiều công nghệ tiến bộ đã và đang được nghiên cứu ứng dụng để nâng cao hiệu suất xây dựng công trình.

Công nghệ xây dựng mới đang mang lại những thay đổi lớn trong các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành công trình. Theo McKinsey - Công ty tư vấn xây dựng lâu đời và lớn nhất thế giới, việc áp dụng công nghệ số có thể tăng năng suất ngành lên tới 15% đem lại kết quả ấn tượng, hiệu quả, chính xác và an toàn cao hơn.

Trong môi trường nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này, khả năng đổi mới sáng tạo trở thành một yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp xác định chiến lược phát triển không chỉ là sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm dựa trên kinh nghiệm mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo các mô hình toàn cầu để liên tục tạo ra những giá trị cao hơn.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Systems, IMS).

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), nhóm thực hiện dự án của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng nội dung phổ biến tiêu chuẩn ISO 56002:2019 để các doanh nghiệp nắm được nguyên tắc chung khi xây dựng, phát triển khả năng đổi mới theo chuẩn mực chung được thừa nhận quốc tế.

Theo Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings Nguyễn Lê Thăng Long, việc đổi mới sáng tạo mới chỉ được áp dụng trên các nguyên tắc cơ bản, thiếu "kim chỉ nam" về các quy tắc, quy chuẩn để có thể áp dụng ngay từ đầu. 

"Đây (ISO 56002:2019) được coi là cách thức phổ biến tiêu chuẩn mới, có khả năng tiếp cận rộng rãi và hiệu quả hơn, hứa hẹn mang lại tác động tích cực đối với việc áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý của doanh nghiệp tại Việt Nam" - ông Nguyễn Lê Thăng Long chia sẻ.

Công cụ để duy trì chuỗi cung ứng

Cũng như một số ngành chủ đạo khác, đối với ngành xây dựng, Cách mạng công nghiệp 4.0 là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.

Tuy nhiên, mọi tổ chức và doanh nghiệp đều phải đối mặt với những nguy cơ, rủi ro gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của mình như dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, cháy nổ, sự cố công nghệ thông tin, tấn công mạng, sự cố môi trường, mất nhân sự có kỹ năng, các vấn đề trong chuỗi cung ứng,...

Việc duy trì sản xuất trong đó có đội ngũ nhân sự chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu.
Việc duy trì sản xuất trong đó có đội ngũ nhân sự chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu.

Nhằm cung cấp công cụ để quản lý tính liên tục trong kinh doanh, song song với ISO 56002:2019, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đã ban hành Hệ thống quản lý kinh doanh liên tục - ISO 22301. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới cung cấp một công cụ hữu hiệu giúp tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu đảm bảo duy trì được khả năng hoạt động ổn định, liên tục; ứng phó, khôi phục một cách hiệu quả nhất là sau tác động từ đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam Triệu Việt Phương phân tích, hệ thống quản lý kinh doanh liên tục - ISO 22301 còn giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro, giảm chi phí và thiệt hại tới con người, tài sản trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giảm thiểu tối đa những tác động và thiệt hại tới con người, tài sản, giảm tác động tới kết quả hoạt động kinh doanh.

Video về Tiêu chuẩn ISO 56002:2019 áp dụng tại Việt Nam

"Hệ thống còn giúp nâng cao lòng tin của khách hàng, nhà cung ứng, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác vào khả năng ứng phó và duy trì hoạt động của tổ chức một cách liên tục, giúp tổ chức quản lý tốt các rủi ro, quản lý chuỗi cung ứng và quản lý hiệu quả nguồn lực" - ông Triệu Việt Phương cho hay.

Tại Việt Nam, từ năm 2021, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) với sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đã xây dựng nội dung phổ biến tiêu chuẩn ISO 22301:2019 cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Đây là công cụ hữu ích để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, tiệm cận với các doanh nghiệp toàn cầu.

 

Với tiêu chuẩn ISO 22301:2019 và ISO 22301 là đặc biệt cần thiết cho các doanh nghiệp lớn và đang có ý định đầu tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings Nguyễn Lê Thăng Long

 

Trong khi ngành xây dựng nổi tiếng là chậm áp dụng và đầu tư vào công nghệ, thế nhưng nhờ đại dịch một số công ty đã có thời gian đưa công nghệ vào bộ máy vận hành và hoạt động kinh doanh của mình. Việc phát triển, ứng dụng công nghệ trong xây dựng sẽ giải quyết một số vấn đề chính của ngành như an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động - KTS Lê Tâm - Công ty CP tư vấn xây dựng Covic