Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt hưởng lợi lớn từ RCEP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2022 sẽ giúp các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam tăng lợi nhuận nhờ thủ tục hải quan được đơn giản hóa, và cơ hội xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đang mở ra.

Nông sản Việt Nam hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)
Nông sản Việt Nam hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)

Rộng cửa xuất khẩu chính ngạch

Chủ động đón cơ hội từ RCEP, Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 2022 là 150 triệu USD, tập trung vào 2 thị trường chính là Nhật Bản và Trung Quốc. Chủ tịch Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh chia sẻ, DN tiếp tục hướng tới Nhật Bản vì đây là thị trường ổn định, an toàn về thanh toán tài chính. Còn với Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lớn nên luôn là thị trường đầy tiềm năng đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam.

Nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều lợi thể xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối RCEP. Ảnh minh họa
Nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều lợi thể xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối RCEP. Ảnh minh họa

“Việc thực thi RCEP sẽ giúp ngành thủy sản tận dụng được cơ hội nhiều hơn từ 2 thị trường kể trên, song song với đó là xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, có kiểm soát, sản xuất hàng theo quy mô lớn. Tuân thủ luật chơi mới của quốc tế, các DN thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế" - ông Trần Văn Lĩnh cho hay.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, lợi ích trước mắt mà RCEP mang lại là tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu thêm cho nhiều mặt hàng nông sản, rau quả Việt Nam. Điển hình như thị trường Trung Quốc, thực thi RCEP, sắp tới sẽ có thêm mặt hàng rau quả tươi (sầu riêng, chanh dây, bưởi, bơ, vú sữa…) được phép xuất khẩu chính ngạch. Hay với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc dù đã đàm phán xuất khẩu lâu năm nhưng mới có 2 - 3 loại nông sản tươi được xuất khẩu. Với RCEP, việc đàm phán cho các loại nông sản, trái cây mới chắc chắn sẽ nhanh hơn và thuận lợi hơn. Đây là điểm cốt lõi và mong chờ của nhiều doanh DN xuất khẩu.

 

Ngoại trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến.

Phân tích về lợi thế xuất khẩu nông sản, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, lợi ích từ RCEP không phải chỉ là trực tiếp từ mở cửa thị trường mà cao hơn là thị trường ổn định, dễ dự báo hơn và DN có thể chuyển dần hướng từ xuất khẩu không chính thức trước đây sang hệ thống chính thức cao hơn. Đây chính là mục tiêu lâu dài mà các nước tham gia hiệp định hướng tới. Đơn cử, nếu biết tận dụng tốt RCEP, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ được đẩy mạnh hơn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam - Trung Quốc, chấm dứt tình cảnh hàng nghìn container hàng hóa ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc như thời gian gần đây.

Nâng sức cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thông qua các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực RCEP cùng những biện pháp tạo thuận lợi thương mại của các nước thành viên sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới. Trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ ngày càng phổ biến.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tự tin về khả năng canh tranh khi tham gia RCEP. Ảnh minh họa 
Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tự tin về khả năng canh tranh khi tham gia RCEP. Ảnh minh họa 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, những DN nào có nền tảng phát triển tốt, sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Ngược lại DN sản xuất đại trà, bán thứ mình có sẽ rất khó tồn tại, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà còn bị nông sản nhập khẩu đánh bật ngay tại thị trường nội địa. Do đó, DN cần nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do nói chung, RCEP nói riêng là cơ hội và động lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện việc quản lý chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều đối tác trong khu vực cũng có những sản phẩm tương đồng, thậm chí có thể phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Chẳng hạn như, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam trong cung cấp thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc và cung cấp gạo sang Nhật Bản; Thái Lan sẽ cạnh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi và chế biến đóng hộp.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, sức ép cạnh tranh hàng hóa trong RCEP là rất lớn vì nhiều đối tác trong khu vực có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng tương tự.

“Các mặt hàng rau quả ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ cạnh tranh, thậm chí tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, trong khi người Việt vốn có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại. Vì vậy, để không mất lợi thế ở RCEP, điều cần làm lúc này là các DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng tối đa cơ hội mà hiệp định này mang lại” – ông Đặng Phúc Nguyên lưu ý.

 

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Từ ngày 1/1/2022, RCEP chính thức có hiệu lực, trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số, tạo ra thị trường chiếm gần 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người) và chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần