Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân Nguyễn Đình Nam: Người thành công không ngại thất bại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với niềm đam mê lập trình, Tổng Giám đốc Công ty CP VP9 Nguyễn Đình Nam đã thành công với việc cho ra đời sản phẩm camera thông minh chạy hệ điều hành Android. Mục tiêu sẽ đưa sản phẩm vươn lên vị trí số 1 tại Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường Mỹ, châu Âu.

Đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã
Nguyễn Đình Nam là một cái tên không còn xa lạ trong giới công nghệ. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, chàng doanh nhân trẻ này đã phải trải qua không ít lần thất bại.
 Tổng Giám đốc Công ty CP VP9  Nguyễn Đình Nam (đứng giữa). Ảnh: Phương Nga
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với ngành công nghệ thông tin, Nam cho biết mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều làm giảng viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1985, bố của Nam từng sang Hà Lan học chuyên ngành khoa học máy tính. Nam được tiếp xúc và làm quen với máy tính từ khá sớm, tình yêu và đam mê với tin học đã ngấm vào máu anh từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Nam đã tự mày mò học theo giáo trình của bố và luyện được kỹ năng lập trình game để máy tính tự chơi.

Đến khi vào đại học, Nam quyết định chọn khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để theo đuổi đam mê. Ngay năm đầu, anh đã xin làm thêm ở Công ty VASC. Sau khi tốt nghiệp, Nam làm theo hợp đồng với Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian ngắn, rồi nhận các hợp đồng làm phần mềm cho nhiều công ty và tổ chức phi Chính phủ khác nhau. Năm 2005, phần mềm RouteskeeperNam của Nam đạt giải Khuyến khích cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, sản phẩm ngay sau đó được ông Nguyễn Thành Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khi ấy chú ý và quyết định đầu tư vào dự án này từ tháng 2/2006. Đây được xem là cột mốc quan trọng vì qua đó anh đã học hỏi được một phần kỹ năng quản trị của FPT.

Tranh thủ vốn đầu tư từ FPT, Nam tập trung “cứng hóa” phần mềm để tối ưu hóa về mặt thương mại. "Tuy nhiên, thời gian đầu khi sản phẩm chính vẫn chưa làm xong, tôi đã vội phân tán nguồn lực mở thêm bộ phận làm phần mềm, rồi tham gia hỗ trợ phong trào nguồn mở - là một hoạt động đáng ra chỉ nên làm khi sự nghiệp đã rất ổn định" - anh Nam chia sẻ. Và kết quả chàng trai trẻ nhận lại cho sự nóng vội là thất bại nặng nề. Bài học quý báu anh rút ra được là cần tập trung hơn trong công việc.

Năm 2007, trước ngưỡng khủng hoảng tài chính thế giới, FPT ngưng đầu tư nhiều dự án chưa đem lại hiệu quả, trong đó có dự án FPT Routeskeeper của Nam. Đây được coi là một lần phá sản nữa của anh. Ngay sau đó, anh đầu tư chế tạo hệ thống chiếu sáng thông minh. "Tuy dự án có đem lại doanh thu nhất định, nhưng không thấm vào đâu so với tổng đầu tư ban đầu. Kết quả là vừa mất tiền, vừa mất thời gian. Với tôi đây là một lần thất bại nhớ đời” – Nam bộc bạch.

Cải tiến sản phẩm cũ

Gặp thất bại liên tiếp nhưng Nguyễn Đình Nam không hề nản chí, năm 2013 chàng trai trẻ quyết tâm thành lập Công ty CP VP9 để sản xuất camera giám sát của người Việt. Nhờ sử dụng công nghệ nén hình ảnh độc quyền của VP9, các sản phẩm của công ty khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của các sản phẩm trước đó.

Nói về tính năng nhận dạng khuôn mặt, Nam cho biết: Cách đây hơn 20 năm ứng dụng này đã được Hoa Kỳ phục vụ an ninh quốc gia, đến nay công nghệ đã phổ biến, dễ để tiếp cận nghiên cứu nhưng phạm vi thương mại hóa rất hẹp do giá thành còn cao, cần trang bị máy tính cấu hình cao để xử lý. Xác định là người tham gia thị trường sau các đối thủ hàng chục năm nên Nam cải tiến sản phẩm với nhiều ưu điểm hơn. Anh đã đưa ra thiết kế mới sử dụng chip phổ thông giá rẻ rồi tối ưu hóa thuật toán để vẫn xử lý kịp trên chip đó. Thông thường để nhận dạng gương mặt từ một chiếc camera, người dùng phải kết nối với máy tính, nhưng sản phẩm do Công ty VP9 nghiên cứu có thể nhận dạng biển số xe hay mặt người ngay trên camera mà không cần máy tính. Điều này giúp sản phẩm tiện lợi hơn mà vừa giảm chi phí.

Với tính năng ưu việt, camera thông minh của VP9 đang là một sản phẩm rất tiềm năng trên thị trường. Đầu năm 2017, VP9 đã ký hợp tác với Viettel hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD. Theo hợp đồng, Viettel sẽ phân phối sản phẩm đồng bộ theo công nghệ video của VP9 bao gồm: Camera giám sát, thiết bị video conference, thiết bị IPTV, nền tảng mobile, OTT.

Sau nhiều năm tham gia vào thương trường, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Nam nhận ra rằng, với các DN khởi nghiệp công nghệ, khó nhất là phải tìm ra sản phẩm có đầu ra, có độ khó công nghệ vượt qua khả năng của đối thủ và trong khả năng của mình. Công nghệ khó thì rủi ro cao nhưng nếu đủ quyết tâm tạo ra sản phẩm thì lợi nhuận đạt được sẽ rất lớn.

Mơ ước của vị thuyền trưởng của VP9 lúc này là không còn phải lo về dòng thu nhập ngắn hạn để công ty có thể tập trung thực hiện những mục tiêu xa hơn, tính toán những kế hoạch dài hạn, nghiên cứu và phát triển những sản phẩm tốt hơn mang lại lợi ích cho xã hội.