Đây kiến nghị của các nữ doanh nhân tại Hội thảo công bố Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các DN do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 14/11.
Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 càn quét khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu, gây ra rất nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trước tình hình chung đó, DN do phụ nữ làm chủ cũng phải gánh chịu rất nhiều tác động và tổn thất từ đại dịch Covid-19. Phụ nữ còn gặp phải nhiều khó khăn hơn do yêu cầu xuất phát từ gia đình tăng lên, như việc chăm sóc trẻ em, người già, do trường học bị gián đoạn, các cơ sở y tế ưu tiên chống dịch…
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, theo kết quả điều tra, năm 2020, 87% trong số các DN do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực. Năm 2021, tỷ lệ bị tác động tiêu cực tăng lên. Hầu hết (93,9%) các DN do phụ nữ làm chủ trả lời là bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ 4,9% không bị ảnh hưởng và một tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2020, chỉ 53,2% DN kinh doanh có lãi, tỷ lệ bị thua lỗ là 32,1%. Năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%.
Mặc dù DN nữ chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19, song theo ông Đậu Anh Tuấn, đóng góp của DN do nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực. Danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam trong năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 22%, cao nhất từ trước đến nay. Cũng theo một nghiên cứu do VCCI tiến hành, số doanh nhân do nữ làm chủ tại Việt Nam hiện nay chiếm 22% tổng số DN.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong những DN lớn, theo ông Đậu Anh Tuấn, những nữ doanh nhân Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong hàng trăm nghìn DN nhỏ và vừa cũng như hộ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, kết quả điều tra các DN do nữ làm chủ dưới tác động của dịch Covid-19 cho thấy, DN do nữ làm chủ có gặp khó khăn hơn so với DN do nam giới làm chủ, nhưng tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn tại các DN do nam giới làm chủ. “Qua đó cho thấy, tính nhân văn trong văn hoá kinh doanh của DN do nữ làm chủ là dấu ấn rõ nét” - ông Đậu Anh Tuấn thông tin.
Chia sẻ những khó khăn thực tế DN đã và đang phải đối mặt, Tổng Giám đốc công ty CP Vật liệu xây dựng Secoin - Đinh Hoài Giang cho biết: "Trong 2 năm Covid-19, công ty gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm liên tục. Đặc biệt, chi phí vận chuyển tăng cao, bào mòn lợi nhuận DN. Nếu như trước xuất một container đi Mỹ chỉ từ 5.000 - 6.000 USD, nhưng nay tăng lên 15.000 - 16.000 USD. Đối với thị trường Nhật giá cũng tăng từ 200 USD lên 500 USD."
“Chúng tôi quan niệm, DN cũng giống như một con thuyền, nếu gặp sóng lớn mà chỉ ngồi yên thì có thể bị sóng nhấn chìm hoặc bị tụt lại phía sau. Vì vậy, công ty luôn tìm cách thích nghi với nghịch cảnh, tăng cường chuyển đổi số và tìm kiếm thị trường mới để “vượt sóng” - bà Đinh Hoài Giang chia sẻ.
Tương tự, Tổng Giám đốc công ty CP kinh doanh chế chiến Nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, chi phí phát sinh trong 2 năm phòng chống Covid-19 khiến tài chính công ty kiệt quệ. Hiện, DN đang rất khó khăn về nguồn vốn để dự trữ hàng Tết. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của DN, quan trọng nhất là bản lĩnh của người làm chủ. Trong giai đoạn khó khăn, hơn hết cần bình tĩnh, chèo lái con thuyền vượt sóng, lựa chọn quyết định hướng đi đúng đắn cho công ty.
Nhiều chính sách vẫn khó tiếp cận
Trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, gồm những chính sách mang tính cấp bách, căn cơ để kiểm soát dịch, bệnh. Các chính sách miễn giảm các loại thế, phí, lệ phí và áp lực tài chính nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dịch, bệnh. Về cơ bản, các cơ chế tài khóa hỗ trợ DN đã đạt được những kết quả tích cực.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, những năm gần đây doanh nhân nữ có sự gia tăng về số lượng, chất lượng và cả quy mô. Tuy vậy, khó khăn của DN do nữ làm chủ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, trong quá trình hồi phục, DN do phụ nữ làm chủ đang phải đối mặt với 4 khó khăn chính gồm: Tìm kiếm khách hàng (64,3% dn đang gặp phải); Tiếp cận vốn tín dụng (34,1% DN); 33,7% DN đang gặp phải biến động thị trường; 27% DN khó khăn tìm kiếm nhân sự phù hợp.
Để tạo cơ hội cho DN vượt qua thách thức, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều gói hỗ trợ dành cho DN do phụ nữ làm chủ. Nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được. Vì thế, để vượt qua khó khăn, DN do nữ làm chủ cần chủ động hơn nữa để tiếp cận các gói hỗ trợ, cùng với đó, những hiệp hội DN trên toàn quốc, cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận thông tin, thiết kế chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ DN hội viên thông qua hoạt động cụ thể, trong đó có DN do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh những giải pháp trên, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Tổng Giám đốc công ty Nhật Hải cho rằng, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng lạm phát trên toàn cầu và suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN, trong đó có DN do phụ nữ làm chủ.
Theo đó, để vượt qua được giai đoạn “sóng gió” này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân DN cũng cần cơ cấu lại chi phí, sản phẩm để tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, nhằm gia tăng lợi nhuận, vượt qua khó khăn.
Còn theo ông Đậu Tuấn Anh, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho DN do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ DN. Các ngân hàng hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với DN do phụ nữ làm chủ đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.