Doanh nhân nữ: Lo từ củ hành tới... hội nhập quốc tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh, vừa phải đảm nhiệm cương vị người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình, các doanh nhân nữ vất vả hơn nam giới rất nhiều.

 Cho dù có bình đẳng giới, nữ doanh nhân vẫn lo “từ củ hành, cọng rau, bát nước mắm… tới hội nhập quốc tế”, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, chứng tỏ bản lĩnh của mình trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội Mai Thị Thùy với báo Kinh tế & Đô thị.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Theo bà Mai Thùy, phụ nữ điều hành 1/4 số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Tuy nhiên, phụ nữ khi làm DN thì khó khăn hơn nam giới rất nhiều, phải đảm nhiệm hai vai: Quản lý DN và trách nhiệm gia đình. Các DN do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại về tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kiến thức, xúc tiến thương mại... Bên cạnh đó, các nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc.
 Các nữ doanh nhân tại Hội thảo 'Các giải pháp chuyển giao thế hệ cho lãnh đạo kế nghiệp doanh nghiệp'.
Thực tế cho thấy, dù ở xã hội nào đi nữa, thiên chức của người phụ nữ vẫn là "xây tổ ấm”. Để cân bằng được giữa gia đình và sự nghiệp, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, họ đã phải đấu tranh rất nhiều, hy sinh không nhỏ. " Chúng tôi phải lo từ củ hành, bát nước mắm… tới hội nhập quốc tế. Quản lý cả trăm công nhân, thậm chí hàng nghìn người nhưng về nhà vẫn phải giúp chồng, chăm con. Đó là chuẩn mực văn hóa, nếu chồng không thông cảm, ủng hộ thì khó có thể thành công” - vị Chủ tịch ví von.

Cần nhiều hơn những hỗ trợ, sẻ chia

Các doanh nhân nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân, có nhiều đóng góp cho ngân sách của địa phương và T.Ư. Việt Nam ngày càng có nhiều những nữ doanh nhân thành đạt, những nữ tiến sỹ thành công trong khoa học. Đơn cử như doanh nhân Thái Hương, Mai Kiều Liên… là những nữ doanh nhân thành công không chỉ trong nước, mà còn vươn tầm ra thế giới. Họ là những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nghiên cứu sưu tầm, áp dụng công nghệ… để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn hài hòa được công việc với gia đình.

Cũng theo bà Mai Thị Thùy, ưu điểm của các doanh nhân nữ là luôn cẩn thận, chắt chiu, biết chi tiêu có kế hoạch, cho nên tỷ lệ DN do nữ làm chủ phá sản rất ít. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đòi hỏi các doanh nhân nữ phải nỗ lực hơn trong bối cảnh hội nhập. Bà Thùy cho rằng, muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh. Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau, cần cụ thể hóa các quy định và những chính sách hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ.

“Đa số các DNNVV, DN cực nhỏ, kinh tế hộ gia đình do nữ làm chủ… là những đối tượng cần phải được hỗ trợ nhiều hơn cả. Nếu họ phát huy được thì sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, giúp nhiều gia đình thoát nghèo”. - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội Mai Thị Thùy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần