Doanh nhân với sứ mệnh kiến quốc

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thư gửi “Công Thương cứu quốc đoàn” ngày 13/10/1945 Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Ít ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp biên thư gửi “Công Thương cứu quốc đoàn”.
Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam 74 năm trước thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, DN Việt Nam. Đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân.
“Phi thương bất phú”
Ngay từ ngày xưa, cha ông ta đã khẳng định “phi thương bất phú” để nói lên vai trò của lĩnh vực công thương và các doanh nhân trong việc phát triển xã hội. Có thể nói cha ông ta - tức những doanh nhân từ thời xa xưa đã gây dựng và để lại cho ngày nay một kho tàng của cải – là tiền đề khơi nguồn cho sự phát triển không ngừng của nền kinh tế đất nước.
Cụ Bạch Thái Bưởi - doanh nhân đầu tiên của Việt Nam áp dụng tinh thần dân tộc “Người Việt ủng hộ người Việt” trong kinh doanh. Ảnh tư liệu
Nói đến doanh nhân, không thể quên Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) chính là ông tổ nghề làm lượt - "lượt Bùng", một sản phẩm nổi tiếng của xứ Đoài hay ông Khổng Lồ - người truyền lại nghề rèn sắt cho dân một số vùng ở Nghệ Tĩnh.
Trong lĩnh vực hàng hải, khai thác than và in ấn không thể không nhắc đến ông Bạch Thái Bưởi - "Cậu ký" đường thủy. “Ông vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932) được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt, biết khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, có ý thức dân tộc. Ước tính trung bình mỗi năm, công ty của Bạch Thái Bưởi chuyên chở tới 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.
Ông Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, ông chuyển trụ sở từ Nam Định vào Hải Phòng rồi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các vùng lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật, Singapore… Người đời còn lưu truyền câu ca tụng “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”. Tứ đại gia này giàu có không chỉ nhất Sài Gòn - Gia Định mà còn thuộc vào hàng giàu nhất Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Con đường phải đi của chúng ta…
Qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhất là suốt 2 thời kỳ kháng chiến cứu quốc, vai trò của doanh nhân bị mai một ít nhiều. Đã có thời kỳ doanh nhân ngoài quốc doanh không được coi là một lực lượng kinh tế, bị cải tạo đi đến xóa bỏ, chuyển dần sang vị trí thứ dân, bị kỳ thị, coi khinh, bị lép vế… gọi là “con buôn”.
Bằng sự nỗ lực của chính mình, giới doanh nhân Việt Nam đã xóa đi những quan niệm cũ kỹ coi rẻ vai trò của DN đã ăn sâu vào nhiều thế hệ khi đó với tư duy: "Nhất nông, vi bản", "Trọng nông, ức thương" hay "Sĩ, nông, công, thương"… Thực tiễn quá trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh cũng như sự phát triển của các quốc gia trong khu vực đã cho thấy doanh nhân và DN là một phần không thể thiếu để phát triển đất nước.
Trong bài báo “Con đường phía trước” (với bút danh là C.K) đăng trên báo Nhân Dân ngày 20/1/1960, Bác viết: “Đời sống Nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: Dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường”.
Tiếp đó, Người chỉ rõ: “Muốn có nhiều máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu… Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà…”.
Trong thời gian gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây như Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải, Sun Group, Vietjet… Năm 2017 Việt Nam có 2 tỷ phú USD được ghi danh toàn cầu là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, theo bảng xếp hạng của Forbes. Các thương hiệu FPT, Vinamilk, Viettel, Sabeco, Masan Consumer… đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và đang được thị trường quốc tế quan tâm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, đóng góp GDP chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình (32%) và thành phần kinh tế Nhà nước (28%). Kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%.
Trong kinh tế tư nhân chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95 - 96% còn lại DN vừa chiếm khoảng 1,7%, DN lớn khoảng 2%. Các con số phản ánh DN tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn.
Hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội đồng thời là thách thức lớn cho các doanh nhân Việt.
"CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các DN, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận, còn Nhà nước sẽ là hậu phương vững chắc" - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Sự hỗ trợ của hậu phương
Để các DN Việt Nam không bị lép vế khi ra sân chơi lớn, đủ sức cạnh canh với hàng hóa các quốc gia khác rõ ràng Chính phủ cần phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.
Việc tiếp theo là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.
Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới… thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.
Đồng thời, các địa phương thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước...
Đề cập tới quyết tâm “xung trận” ông Đặng Sỹ Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Ngành đường sắt hiện nay đang đối diện với quá nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, thị phần vận tải nhỏ, kêu gọi đầu tư khó nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải kiên trì tháo gỡ để đi lên.
Thời cha ông ta như cụ Bạch Thái Bưởi còn khó khăn hơn nhiều, từ hai bàn tay trắng nhưng cụ đã dấn thân để có được sự nghiệp vẻ vang. Tôi thích câu nói của cụ “Đường đi ở dưới chân tôi, tôi đã nhìn thấy. Tôi sẽ đi bằng đôi chân của tôi” nên anh em chúng tôi sẽ không chùn bước”.
74 năm sau ngày gửi thư tới giới công - thương và 50 năm ngày Bác đi xa, tư tưởng, những lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Ngay từ ngày đầu khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin vào giới doanh nhân, DN Việt Nam, coi đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện cao cả của Người.