Đọc bút ký “Bản tình ca khúc khuỷu” để “Chạm ngõ đàn bà”

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh), nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Lam đã ra mắt cuốn sách “Bản tình ca khúc khuỷu” do Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ ấn hành.

“Bản tình ca khúc khuỷu” là tập hợp 16 bài viết về số phận những người phụ nữ vô danh. Nhưng tất cả họ đều có một điểm chung đó những cuộc đời buồn trĩu đầy bất hạnh, nhưng đằng sau đó là cuộc sống đầy nghị lực và lạc quan sống.

Buổi giao lưu giới  thiệu sách "Bản tình ca khúc khuỷu" với chủ đề "Chạm ngõ đàn bà"
Buổi giao lưu giới  thiệu sách "Bản tình ca khúc khuỷu" với chủ đề "Chạm ngõ đàn bà"

Tác giả Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: "Tất cả những nhân vật trong “Bản tình ca khúc khuỷu” mà bạn đang cầm trên tay đều không nổi tiếng. Nhưng với tôi, họ đều là những cuộc đời kỳ vĩ. Cuộc đời, hoặc phần đời im lặng nào đó của họ đã nói rất nhiều điều, nhiều hơn tất cả những gì họ có thể kể, khiến người khác, ít nhất là khiến tôi, đôi khi, phải tự nhủ mình im lặng để mà suy nghĩ.

Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ phải trót mang. Thiên chức ấy có tên chúng là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi”.

Tác giả Nguyễn Hồng Lam ký tặng sách cho độc giả.
Tác giả Nguyễn Hồng Lam ký tặng sách cho độc giả.

Cũng tại buổi giao lưu, TS Hà Thanh Vân đã cho rằng: "Xuyên suốt tác phẩm “Bản tình ca khúc khuỷu”, dường như những người phụ nữ, từ vô danh đến nổi tiếng, từ một em gái miệt vườn Tây Nam Bộ như cô Út “Về xứ Bốn Ngàn” đến cô tiểu thư đài các Katherin Trinh Mây xứ Campuchia “Cuộc tình bi thảm của một người đảo chính”, từ bà mẹ của một gia đình có 4 người mù “Ballade nơi dòng sông không chảy” đến o Lê Thị Nhị, nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật “Vu vơ sợi khói đốt thuyền”, từ người đàn bà Nguyễn Thị Tâm đi hầu kiện chồng “Tình sử không ghi trong cáo trạng” đến người phụ nữ trí thức dấn thân năm xưa Cao Thị Quế Hương “Người đàn bà chờ” đều giống nhau ở một tấm lòng: Yêu thương, chịu đựng và hy sinh, nhận lấy những thiệt thòi về bản thân mình".

“Hai bà mẹ xóm Cồn” là câu chuyện có thể lấy nước mắt của những người đàn ông gan góc nhất. Cuộc đời của mẹ Toán, mẹ Gặp dường như là chỉ 2 trong vô số cuộc đời những người phụ nữ đi qua chiến tranh và còn lại mỗi bản thân mình với hai bàn tay trắng, nỗi cô độc và nỗi buồn mênh mang...

Những thân phận phụ nữ như vậy khiến độc giả chợt nhận ra rằng: "Phụ nữ có thể không sợ nghèo, không sợ chết, không sợ thiệt thòi… họ chỉ sợ không được yêu thương ai đó và không được ai đó yêu thương".