Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo bộ sưu tập tem khắc họa những mốc son cách mạng

Theo Infonet
Chia sẻ Zalo

Những mốc son lịch sử của sự nghiệp cách mạng Việt Nam cũng như cả hành trình xây dựng và phát triển đất nước đã được thể hiện mạch lạc và khúc chiết trong bộ sưu tập tem “Tất cả vì độc lập dân tộc, phát triển đất nước” của nhà sưu tập tem Vũ Văn Tỵ.

Tại một số triển lãm tem bưu chính thời gian qua ở Hà Nội, TP.HCM nhân những sự kiện lớn của đất nước, bộ sưu tập tem “Tất cả vì độc lập dân tộc, phát triển đất nước” của nhà sưu tập Vũ Văn Tỵ (Hà Nội) được đánh giá là một điểm nhấn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và giới sưu tầm tem.
Bộ sưu tập này gồm 5 khung tem với 80 trang, trong đó, 78 trang tem và bì thư với một mạch truyện thể hiện các chủ đề: Những địa danh lịch sử; Tìm đường cứu nước; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc: Nhân dân miền Nam đấu tranh; Thống nhất đất nước; Xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Thực hiện mục tiêu dân giàu – nước mạnh – công bằng – dân chủ - văn minh.
Mở đầu bộ sưu tập, ngay sau phần giới thiệu là chủ đề “Những địa danh lịch sử”. Trong khung tem này có những mẫu tem khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa như mẫu tem "Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" phát hành năm 1988 thể hiện hình ảnh bản đồ cổ và hải đội thời Nguyễn có nhiệm vụ đo đạc, canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp đến là những mẫu tem thể hiện những chiến công hiển hách của dân tộc ta với những tấm gương hào hùng thời kỳ đầu dựng nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, và những mẫu tem về các triều đại Đinh – Lý – Trần – Lê…
Kế nữa là những mẫu tem Đông Dương mà nước Pháp phát hành để dùng ở hải ngoại (dùng tại Việt Nam, Lào, Campuchia và những nước thuộc địa khác), thể hiện nội dung về thời kỳ đất nước mất chủ quyền, người dân Việt lâm vào cảnh nô lệ lầm than. Bên cạnh đó, khung tem còn có bưu ảnh thể hiện rõ các tỉnh mà nhà Nguyễn đã cắt cho Pháp nhằm mục đích tuyên truyền cho nhiều người Pháp sang Việt Nam để “khai phá văn minh”.
Tiếp đến là chủ đề “Tìm đường cứu nước”, tập trung giới thiệu quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc... Một số mẫu tem đáng chú ý trong khung tem này gồm mẫu tem về Cách mạng tháng Mười và phong trào quốc tế cộng sản; mẫu tem về cuộc biểu tình đòi dân chủ ở khu Đấu Xảo (Hà Nội); mẫu tem về Nam Kỳ khởi nghĩa. Đặc biệt, bộ sưu tập của ông Vũ Văn Tỵ còn có 2 blốc tem cỡ lớn được xếp hạng quý hiếm là bản đồ chiến tranh thế giới thứ hai nêu lên cục diện chiến tranh ở châu Á (phát xít Nhật), châu Âu (phát xít Đức) và Bắc Phi (phát xít Ý).
 Trang tem về Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chủ đề kế tiếp của khung tem là “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc”. Điểm nhấn chính trong chủ đề này là những mẫu tem về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhìn vào những mẫu tem về Cách mạng Tháng Tám, có thể hình dung lại thời điểm đó có 3 sự kiện lớn: Một là ở Hà Nội, ngày 17/8, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, nhưng đến khi cuộc mít tinh sắp sửa bắt đầu, trên tầng 2 của Nhà hát lớn thành phố có lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống, và người của cách mạng Việt Nam đã lên sân khấu nói về việc ủng hộ Việt Minh, biến cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành trong thành phố, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Tám. Hai là ở Huế, cũng có biểu tình trước Ngọ môn, đòi vua Bảo Đại thoái vị. Và ba là ở Sài Gòn, tại khu vực Tòa thị chính, người đứng đầu Thành ủy lúc bấy giờ là ông Trần Văn Giàu đã tập hợp được hàng triệu người tham gia cuộc mít tinh lớn ủng hộ cách mạng. Đây chính là tiền đề để dẫn tới sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945.
 Trang tem thể hiện nội dung về ngày Quốc khánh 2/9.

Với các mẫu tem về ngày Quốc khánh 2/9/1945, khi ngắm mẫu tem, người xem lại như được gợi nhớ về hình ảnh năm xưa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ phong kiến, tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuy nhiên, sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, từ 2/9/1945 – 2/9/1946, chúng ta vẫn phải lấy con tem của Pháp in đè lên chữ “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “quốc phòng”, “cứu đói”… để sử dụng tạm thời cho hoạt động bưu chính trong thời gian đầu. Những con tem in đè đó đã được thể hiện trong khung tem của nhà sưu tập Vũ Văn Tỵ như một bằng chứng lịch sử.
Không chỉ dừng lại ở đó, mạch truyện về hành trình làm cách mạng, xây dựng đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình ở nước ta cứ thế lần lượt hiện dần ra qua những trang tem, khung tem của nhà sưu tập Vũ Văn Tỵ. Từ chuyện thực hiện quyền dân chủ - tổ chức bầu cử Quốc hội khóa I, đến toàn quốc kháng chiến, đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và đến sự kiện Quốc hội chung của đất nước họp tại Dinh Độc Lập, đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thống nhất quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, chọn Thủ đô là Hà Nội, và Sài Gòn được chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh… đều được kể lại một cách rõ ràng, mạch lạc và khúc chiết.
Rất nhiều nhân vật lịch sử cách mạng kiệt xuất cũng đã được tái hiện và lưu giữ qua những mẫu tem bưu chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, cùng với đó là các nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Giàu…, các tấm gương thanh niên cách mạng như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi…, các nhân sĩ yêu nước, trí thức cách mạng như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Hùng…, và các nhà khoa học, văn nghệ sĩ cách mạng như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Nam Cao…
Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn có nhiều trang tem thể hiện sự đổi thay, hội nhập và phát triển của đất nước nói chung và của các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể như y tế, điện lực, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, giao thông vận tải, văn hóa… Chỉ cần lật giở các trang tem này, người xem có thể thấy rõ sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào các tổ chức, diễn đàn thế giới như APEC, ASEAN, APPU, ITU…; hội nhập trên mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, môi trường…
Được biết, để có được bộ sưu tập mang nhiều ý nghĩa này, nhà sưu tập Vũ Văn Tỵ đã dành hơn 10 năm chọn lựa thông tin, chắt lọc tư liệu, xây dựng đề cương, hoàn thiện các chủ đề.
Chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam về việc quyết định đầu tư bộ sưu tập với tổng số khoảng 300 mẫu tem và 70 phong bì thực gửi, ông Vũ Văn Tỵ kể: “Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị phát động phong trào trong cả nước về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi đã quyết tâm xây dựng bộ sưu tập thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả vì độc lập dân tộc và phát triển đất nước, và cũng đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong dư luận. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương lúc đó sau khi xem bộ sưu tập của tôi cũng đã đánh giá là bộ sưu tập đã đi suốt hành trình cách mạng Việt Nam”.
Hình thành nên một bộ sưu tập tem bưu chính dày dặn, ý nghĩa như của ông Vũ Văn Tỵ không phải chuyện đơn giản. Ngoài niềm đam mê sưu tập tem thì nhà sưu tập còn phải tích lũy rất nhiều tri thức, kiến thức, chẳng hạn như phải hiểu về quá trình hình thành cách mạng Việt Nam, cũng như các sự kiện lịch sử, các danh nhân, chí sĩ…
Phần kết của bộ sưu tập, ông Vũ Văn Tỵ đã dành một trang tổng kết lại những điểm nhấn chính, gồm: Việt Nam với thế kỷ 20; Chủ tịch Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa kiệt xuất; Hà Nội – thành phố anh hùng; Giữ gìn chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Bộ sưu tập tem “Tất cả vì độc lập dân tộc, phát triển đất nước” của nhà sưu tập tem Vũ Văn Tỵ thêm một lần nữa nhắc nhở thế hệ sau rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, cần tiếp tục chung tay góp sức để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh.