Độc đáo làng ngư cụ giữa lòng Thủ đô

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề lưới cước thôn Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) là một ngôi làng hết sức độc đáo ở Hà Nội. Bởi dù không nằm gần biển, không ra khơi, nhưng hơn 50 năm qua, người dân nơi đây vẫn sống khỏe nhờ nghề sản xuất ngư cụ.

Đa dạng hoá sản phẩm

Đến với thôn Trần Phú (xã Minh Cường), nhiều người không khỏi bất ngờ bởi đời sống của bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai. Đời sống kinh tế thay đổi một phần lớn đến từ nghề làm lưới cước đang phát triển khá ổn định.

Bà Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1953, là một trong những người đầu tiên bén duyên với nghề làm lưới cước ở thôn Trần Phú. Khu xưởng của gia đình bà lớn nhất nhì trong thôn, hiện đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công, với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Một công đoạn trong sản xuất lưới đánh bắt thuỷ hải sản của người dân thôn Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Phú Xuyên). Ảnh: Trọng Tùng.
Một công đoạn trong sản xuất lưới đánh bắt thuỷ hải sản của người dân thôn Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Phú Xuyên). Ảnh: Trọng Tùng.

“Trước đây, gia đình chỉ làm lưới cước bán cho người dân đánh bắt thuỷ hải sản. Nay chúng tôi sản xuất thêm hàng chục sản phẩm khác như: Lưỡi câu, các loại rọ bắt cá, sản phẩm phục vụ bẫy chim, rào chắn công trường xây dựng…” - bà Huệ cho hay.

Hơn 10 năm trở lại đây, máy móc, trang thiết bị đã được người dân làng lưới cước thôn Trần Phú áp dụng rất nhiều vào sản xuất. Anh Phạm Quang Vinh, người đã có hàng chục năm trong nghề cho biết, nếu như trước đây mỗi ngày chỉ làm được khoảng 100 chiếc lưới, thì nay với máy móc tiên tiến, mỗi ngày có thể dễ dàng làm ra trên dưới 500 chiếc.

Không chỉ gia tăng số lượng sản phẩm làm ra, chất lượng lưới cước với sự hỗ trợ của máy móc cũng được đánh giá cao hơn rất nhiều. Sản phẩm có độ đồng đều cao và mẫu mã ngày một đa dạng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của ngư dân và người dân.

Cơ giới hoá giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm lưới cước.
Cơ giới hoá giúp nâng cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm lưới cước.

Đưa sản phẩm vươn xa

Theo Bí thư Chi bộ thôn Trần Phú Đinh Thị Phương, nghề lưới cước trong thôn đã được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012. Kể từ đó, cái nghề đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân tiếp tục có những bước phát triển mới.

“Trong thôn hiện có hơn 900 hộ dân thì hiện có đến 90% tổng số gia đình có người tham gia làm nghề lưới cước. Trong số này, có khoảng 40 cơ sở quy mô vừa và lớn; còn lại các hộ sẽ tham gia vào một công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm lưới cước và các mặt hàng khác…” - bà Phương cho hay.

Sản phẩm ngư cụ, chủ yếu là lưới cước của người dân nơi đây hiện đang được tiêu thụ khá tốt. Khách đặt mua sản phẩm trải dài từ Bắc vào Nam, phổ biến là Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng… Nhiều hộ gia đình còn mở cả cửa hàng ở các khu thương mại như chợ Kim Biên ở quận 5 (TP Hồ Chí Minh).

Nhờ nghề làm lưới cước, thu nhập bình quân của người dân xã Minh Cường đã đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Nhờ nghề làm lưới cước, thu nhập bình quân của người dân xã Minh Cường đã đạt hơn 70 triệu đồng/năm.

Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, người dân thôn Trần Phú nói riêng đang đẩy mạnh tiêu thụ online thông qua internet và nền tảng mạng xã hội. Toàn thôn hiện có 66 cơ sở thực hiện bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như: Zalo, facebook, Shopee….

Chủ tịch UBND xã Minh Cường Trịnh Hùng Sơn cho biết, nếu như thu nhập bình quân đầu người dân trên địa bàn xã mới dừng ở khoảng 70 triệu đồng/người/năm thì con số này của người dân thôn Trần Phú cao hơn nhiều. Nhiều xưởng lớn như của hộ gia đình các ông Phạm Quang Viễn, Nguyễn Văn Long, Vũ Văn Pha… có doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Đời sống người dân dần được nâng cao trong những năm qua.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay, nhiều chủ cơ sở đang có nhu cầu vay vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; tuy nhiên, việc tiếp cận tài chính còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, địa phương mong muốn các tổ chức tín dụng quan tâm, tạo điều kiện để người dân trong xã nói chung, thôn Trần Phú nói riêng có cơ hội được vay vốn ưu đãi, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản xuất. 

 

“Địa phương đang đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động làng nghề nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hoá cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường; tiến tới xây dựng làng nghề lưới cước truyền thống thôn Trần Phú trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách…”Chủ tịch UBND xã Minh Cường Trần Hùng Sơn.