Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dốc sức vì doanh nghiệp với tầm nhìn mới

Trâm Anh - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Chính phủ có 2 nghị quyết đặc biệt quan trọng với sự phát triển của DN, đó là Nghị quyết 19/NQ - CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ - CP về phát triển DN đến năm 2020. Hai nghị quyết quan trọng này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.

Nghị quyết 19 - xóa dần khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn

Năm thứ 4 liên tiếp (2014 - 2017), Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai và trở thành “thương hiệu” của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh những năm qua. Tuy nhiên, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy có rất nhiều nội dung chưa được thực hiện, cộng với những đòi hỏi từ thực tiễn đối với cộng đồng DN lớn hơn rất nhiều so với phạm vi cải cách Nghị quyết 19 của những năm trước đây. Đây là lý do năm 2017, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn, nhưng cũng là khó khăn hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các bên.

Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh TP Hà Nội năm 2017, định hướng đến năm 2020. Hà Nội đặt kế hoạch phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng và triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, hết năm 2017, cung cấp 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
 Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Là một trong những bộ, ngành tiên phong trong công tác cải cách hành chính, Bộ Tài chính đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đối với lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đề ra 13 nhóm nhiệm vụ với 36 giải pháp gắn với 57 sản phẩm đầu ra. Trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 20 giải pháp và 31 sản phẩm đầu ra.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc khẩn trương cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công thành kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ. Đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu cũng được xác định rõ nét hơn, gắn với các chỉ tiêu cụ thể.

Nhận thức được vai trò quan trọng, Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các tổ chức KH&CN; khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ…

Có thể nói, đa số các đơn vị đều thực hiện cải cách trên 3 nội dung lớn: Thể chế chính sách, công nghệ quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức bộ máy. Từ tinh thần này, thời gian qua, Bộ Công Thương bãi bỏ một loạt quy định như bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng trước khi thông quan, bỏ quy hoạch về thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo… Tuy việc phải làm của Bộ Công Thương còn nhiều, nhưng đó được coi là những động thái khá tích cực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, tinh thần thực hiện phát triển DN trong giai đoạn mới không chỉ là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN. Thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, các ban, ngành đều quyết tâm và đặt ra những mục tiêu và giải pháp thực hiện hết sức cụ thể. Những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thể hiện nhiều tư tưởng, tầm nhìn mới, với yêu cầu mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển cao hơn.

Nghị quyết 35 - luồng gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển các DN được cộng đồng DN, trong đó có DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% đánh giá như một luồng gió mới hỗ trợ sự phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như TP Hà Nội, trong quý I, đã có 5.800 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 39,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12% về số DN và 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. “Con số này phản ánh nỗ lực của Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho hay. Đến nay, khoảng 68% DN đã đăng ký qua mạng.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme) chia sẻ, Hiệp hội đã được TP giao nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN. Nhằm xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng, tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đặc biệt, là thành viên trong Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh của TP, Hiệp hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thị trường, thuế, hải quan... Từ năm 2016, định kỳ hàng tháng, Hiệp hội tổ chức các buổi đi thăm DN hội viên để chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, nắm tình hình kinh doanh của DN và để kết nối, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại nội khối...
Theo đánh giá của các DN, các sở, ban, ngành của TP đã có nhiều chuyển biến trong thủ tục hành chính, luôn tạo điều kiện cho DN, các DN đã nhận thấy sự chuyển biến rõ nét về thái độ phục vụ và ứng xử của cán bộ công chức. Việc thành lập DN đã rút ngắn thời gian xuống còn 3 ngày, công tác cấp phép và giấy chứng nhận của ngành công thương đã có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho DN, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cải thiện hơn. Ngoài ra, ngành ngân hàng đã tháo gỡ nhiều cho DN về thủ tục vay vốn bằng giải pháp cùng DN xây dựng dự án và phương án sản xuất kinh doanh, ngành thuế và hải quan đã đổi mới nhiều trong thủ tục làm giảm thời gian cho DN.

Tất nhiên, điều này là chưa đủ. Cải cách chỉ thực sự thành công khi từng công chức làm việc này bằng ý thức của trách nhiệm và sự thôi thúc từ trái tim, chứ không chỉ do mệnh lệnh từ cấp trên. TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận xét, thực tế cho thấy, để phát triển kinh tế - xã hội thì phải đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ cho DN. Nói theo nghĩa rộng, bản thân Nghị quyết 19 nằm trong Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 có thể coi như là một nội dung của Nghị quyết 35. Bởi Nghị quyết 19 đề cập tới vấn đề cải cách môi trường, còn Nghị quyết 35 triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết. Tất cả đều hướng tới mục tiêu năm 2020 có tổi thiểu 1 triệu DN hoạt động. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng đó là: Chính phủ kiến tạo – Chính phủ phục vụ – Chính phủ hành động vì người dân và vì DN, để đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi nhất cho DN.

Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sơn Hà Trịnh Thị Khanh:

Cải thiện điều kiện vay vốn để hỗ trợ doanh nghiệp

Tôi đánh giá cao Nghị quyết 35 bởi đây thực sự thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Khi Nghị quyết 35 được ban hành, TP Hà Nội đã có nhiều văn bản, kế hoạch được đề ra, cộng đồng DN rất vui bởi toàn hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc. Điều đó được thể hiện ở những thủ tục hành chính đơn giản hơn, đăng ký kinh doanh được rút ngắn, thái độ của cán bộ công chức, nhất là bộ phận một cửa thường xuyên tiếp xúc với DN rất niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn mỗi khi đến giao dịch.

Bản thân Tập đoàn Sơn Hà là DN sản xuất thương mại trong lĩnh vực công nghiệp đã từng gặp rất nhiều khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, sự cạnh tranh trong ngành khốc liệt... Nghị quyết 35 là sự hỗ trợ thiết thực và kịp thời để Sơn Hà nói chung và cộng đồng các DN nói riêng phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, còn một số việc rất mong được tiếp tục cải thiện, trong đó, hiện tiếp cận vốn vay còn gặp khó khăn do điều kiện của ngân hàng và DN chưa đồng thuận. Nếu được đơn giản hóa sẽ hỗ trợ nhiều về nguồn vốn để DN đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.


Có tới 80% số nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành, vì vậy rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy trên thực tế, hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, do đó cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý T.Ư Phan Đức Hiếu
Nghị quyết 19 hướng vào những lĩnh vực đang cần được cải thiện mạnh mẽ hơn và là công cụ hữu ích để tập trung vào năng lực sáng tạo, phát triển Chính phủ điện tử - xu hướng quản trị ở các quốc gia trong thời gian tới. Các DN cũng phải thay đổi tư duy. Nhà nước cải thiện môi trường kinh doanh, điều đó đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường, làm gia tăng áp lực cạnh tranh và gia tăng đối thủ cạnh tranh, làm cho DN phải suy nghĩ, phải thay đổi, phải có chiến lược và hướng đến hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Jeff Roach


Sở KH&ĐT Hà Nội sẽ đồng hành, hỗ trợ DN thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực: Tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN… Bên cạnh đó, bảo vệ nguồn sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi. Đặc biệt, năm 2017, để tạo chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội sẽ đồng hành cùng DN, hành động vì DN, thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DN khởi nghiệp, sau khởi nghiệp; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh...
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam
Qua thu thập thông tin từ DN, Hanoisme đã báo cáo đề xuất những khó khăn của DN trong giá thuê đất còn quá cao, đến nay một số DN đã được Sở TN&MT, Cục Thuế Hà Nội xem xét điều chỉnh giá thuê đất theo quy định của UBND TP đã góp phần giảm bớt khó khăn cho DN. Về hỗ trợ vốn tín dụng, các DN tiếp cận Ngân hàng SHB và một số ngân hàng thương mại khác đã tạo thuận lợi trong giao dịch tín dụng được vay gói hỗ trợ ưu đãi từ Ngân hàng là thành viên của Hiệp hội. Bên cạnh đó các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP cũng đồng hành cùng DN, tạo cơ hội cho các DN có dự án khả thi được vay vốn góp phần tạo việc làm ổn định sản xuất kinh doanh. Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn nhằm thực hiện Nghị quyết 35, từ các kiến nghị của DN, tôi cho rằng, thủ tục hành chính cần nhanh gọn hơn, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Bởi, nhiều DN phản ánh, hiện nay có quá nhiều văn bản các bộ, ngành, quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK; hay việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành quy định chồng chéo nhau...

Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội  Mạc Quốc Anh


Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng được các đòi hỏi tất yếu trong xu thế hội nhập sâu rộng. Đây thực sự là “chìa khóa”, cởi nút thắt cho rất nhiều doanh nghiệp đang còn loay hoay với chính sách, cơ chế hay thủ tục hành chính. Bản thân là doanh nghiệp chuyên về mảng đầu tư bất động sản, sau một thời gian thị trường này chìm trong “bong bóng”, Nghị quyết 35 đã giúp chúng tôi tiến nhanh hơn tới đích đã đặt ra. Không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà Nghị quyết 35 còn tác động gián tiếp đến đời sống an sinh xã hội của chính những khách hàng. Việc rút ngắn, giảm bớt các thủ tục hành chính, đầu tư, đến việc cấp sổ đỏ, bàn giao nhà... đã giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh hơn các dự án, công trình xây dựng. Tuy nhiên, để thúc đẩy được các doanh nghiệp hơn nữa, sự vào cuộc của toàn xã hội là rất cần thiết. Ý nghĩa thiết thực của Nghị quyết 35 cần được đẩy mạnh, đi sâu, đi sát vào cuộc sống và song hành cùng DN. 

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest

Tô Như Toàn