Đời chạy thận

Nhật Nguyên – Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những gương mặt xanh xao, vàng vọt, ánh mắt đờ đẫn, thiếu sức sống ấy đang mang trong mình căn bệnh nan y - suy thận mãn tính.

Họ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng chung số phận – suốt đời phải gắn liền với giường bệnh. Và ở đó, lằn ranh giữa sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh…
Dang dở ước mơ     
17 tuổi – cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng chuyện học hành của em Đinh Văn Linh (Tân Lạc, Hòa Bình) khép lại. Em gác cặp sách, vào bệnh viện (BV), gắn liền với kim tiêm, dịch truyền. 7 năm nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, em lầm lũi đến BV chạy thận nhân tạo. Sau cú sốc bàng hoàng bởi sự cố 18 bệnh nhân bị tai biến khi đang chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình, Linh cùng 20 bệnh nhân khác được đưa về BV Thận Hà Nội để tiếp tục cuộc hành trình chiến đấu với bệnh tật. Tuổi em còn trẻ, còn có sức, 7 năm chạy thận không phải là khoảng thời gian ngắn, nhưng so với những trường hợp 10 - 20 năm chạy thận thì thời gian ấy chưa là gì. Linh là một trong 20 bệnh nhân di chuyển từ Hòa Bình xuống BV Thận Hà Nội chạy thận.

Bác sĩ Bệnh viện Thận Hà Nội chăm sóc bệnh nhân Nguyễn Xuân Tý (TP Hòa Bình). Ảnh: Thanh Hải

Trò chuyện với chúng tôi, Linh cho biết, nhà em cách TP Hòa Bình 40km. Khi mới chạy thận, vài lần bố mẹ đưa em xuống BV, nhưng sau đó em đều tự đi – về. Lần này, đến ngày chạy thận, em đến BV thì mới biết vụ tai biến kinh hoàng này. Khoa Thận Tiết niệu – BV Đa khoa Hòa Bình đóng cửa, niêm phòng. Em theo xe BV đưa xuống Hà Nội, cũng chưa biết chỗ ăn chỗ nghỉ thế nào. Nếu em còn sức, chạy thận xong em sẽ về nhà. “Ở đây lạ nước lạ cái, lại một thân một mình, buồn lắm chị ạ” - em tâm sự. Rồi em kể, mình là người may mắn khi không trùng với ca chạy thận xảy ra tai biến hôm 29/5. “Em nghe thông tin mà bàng hoàng cả người, em chạy thận 7 năm nay, chưa chứng kiến tai biến bao giờ. Với em, cũng có lúc mệt, bủn rủn hết chân tay, có vài lần thấy buồn nôn rồi thôi. Những ca tử vong liên tiếp ấy khủng khiếp quá”- Linh bộc bạch.
Đề cập đến tương lai, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Linh vẫn thấy “cuộc đời rất mơ hồ”, bởi giờ đây em chỉ biết đến BV và dây truyền lọc máu. Đáng lẽ là lao động chính trong nhà, nhưng bệnh sẽ đeo đẳng theo em suốt cuộc đời, em bảo, mình còn chưa tự lo được cho sức khỏe của mình, còn lo được cho ai. Ước mơ thì nhiều, nhưng vẫn chỉ là mơ ước mà thôi.
Bệnh nhân nhiều tuổi nhất được chuyển từ Hòa Bình xuống BV Thận Hà Nội trưa 30/5 là ông Nguyễn Xuân Tý (TP Hòa Bình). Ông phải chạy thận cách đây 3 năm khi đã tuổi cao sức yếu. Nhưng hạnh phúc hơn nhiều trường hợp khác phải một thân một mình mỗi lần chạy thận, ông luôn được vợ mình – bà Phạm Thị Lược đi cùng chăm sóc, dìu dắt. 3 năm ông chạy thận là 3 năm bà cùng ông sống trong môi trường BV. Hỏi về con cái, ông bảo, đứa nào cũng có công việc, gia đình nên không lo được cho bố mẹ. Mà bà còn lo được cho ông nên ông bà cũng không muốn phiền ai. Xuống Hà Nội lần này, ông bà thêm muôn phần khó khăn khi cả 2 đều đã ngoài tuổi 80.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Bà Lược bảo, có bệnh thì phải theo chữa đến cùng, khó khăn nào bà cũng vượt qua được, chỉ mong ông khỏe hơn. Nếu tại BV Đa khoa Hòa Bình, chạy thận xong bà sẽ đưa ông về nhà, nhưng xuống Hà Nội, sức khỏe ông Tý yếu hơn, đường sá xa xôi nên bà sẽ xin tạm trú tại BV để thuận tiện chữa trị. Bà mong khoa Thận Tiết niệu ở BV Đa khoa Hòa Bình sớm khắc phục sự cố, ổn định hoạt động để bà đưa ông về. “Già rồi, không muốn xa nhà cô ạ” - giọng bà chùng xuống.
Còn tại BV Bạch Mai, bà Lê Thị Rấm, 65 tuổi, hiện đang được điều trị tích cực tại Khoa Thận nhân tạo. Bà là một trong số 11 bệnh nhân bị sốc phản vệ thoát chết kỳ diệu ngày hôm đó. Bà kể, mình bắt đầu chạy thận nhân tạo từ tháng 11/2015, mỗi tuần 3 lần đến viện lọc máu. Sáng 29/5, bà Rấm chạy ca đầu tiên lúc 7h, sau 30 phút chạy thận, bà thấy choáng váng, vã mồ hôi, buồn nôn. Lập tức bà kêu lên, y tá rút dây truyền ra, vậy là bà thoát chết.
Bệnh tật đeo đẳng
Tại “xóm chạy thận” ngõ 121 Lê Thanh Nghị, chúng tôi bắt gặp những gương mặt nhợt nhạt, mắt thâm quầng, có những đôi mắt đục ngầu, mờ dần theo thời gian. Có những người lê từng bước khó nhọc, mệt mỏi, nhất là trong thời tiết oi bức này khi điều kiện sống ở xóm trọ thiếu thốn trăm bề. Một điểm chung dễ nhận thấy ở họ là trên cánh tay của những người chạy thận đa phần chi chít những khối thịt sưng lên ngay những lỗ sâu hoắm – di chứng của những mũi kim sau trăm, nghìn lần chạy thận. Thoạt nhìn, ai nấy đều cảm thấy “rất ghê”, nhưng với bệnh nhân chạy thận, họ đã quá quen rồi, và cái mũi kim trăm nghìn lần chọc chi chít vào da thịt ấy chỉ là “chuyện vặt” so với những tháng ngày vật vã, đau đớn, có những lần thót tim tưởng chừng không qua khỏi ở “xóm chạy thận” này.
Gọi là “xóm chạy thận” bởi nơi đây là chỗ trọ của gần 130 người bị suy thận, đêm ngày chống chọi với bệnh tật, mòn mỏi với cuộc sống. Gần 130 hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung nỗi lo bệnh tật. Họ – người thì mất vợ, người mất chồng, người không gia đình, cả những mái đầu bạc, mái đầu xanh đang vật lộn, mưu sinh chốn Hà thành để chống chọi với bệnh nan y. Họ – chủ yếu là những người ở xa, tỉnh lẻ về đây thuê trọ, có đến hơn 95% trong số đó thuộc hộ nghèo. “May có bảo hiểm y tế, nếu không có chúng tôi chết chắc. Ở đây ngoài tiền thuốc đồng chi trả với bảo hiểm, còn tiền thuê trọ, cơm ăn nước uống hàng ngày. Thiếu thốn trăm bề, nhưng được cái mọi người trong xóm đều đoàn kết, nương tựa lần nhau, chia cơm sẻ áo, nhờ tình cảm ấm cúng ấy mà chúng tôi có sức để còn tiếp tục chiến đấu trong môi trường BV” - người phụ nữ gầy gò khoảng hơn 50 tuổi ở xóm trọ bộc bạch khi chúng tôi hỏi chuyện.

Bác sĩ ghi chép các số liệu trong quá trình chạy thận. Ảnh: Hải Linh

Tiến sâu vào xóm trọ, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Giáng, gần 60 tuổi, quê Thái Bình. Bà có dáng người gầy gò, nước da xám ngoét, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, trông già hơn tuổi. Hai cánh tay bà chi chít những nốt u sần – hậu quả sau những lần lấy ven chạy thận. Bà là con út trong gia đình có 6 người con, ai nấy đều khỏe mạnh, riêng bà bệnh tật đầy mình. Ngoài viêm khớp, viêm gan, bà còn gánh thêm căn bệnh mãn tính – suy thận, phải gắn bó với BV suốt đời. “Các anh chị em, ai nấy đều khỏe mạnh, riêng mình gánh bệnh cho cả nhà. Âu cũng là cái số. Nhà ai đông người cũng phải có một người chịu thiệt thòi nhất” - bà tự động viên, an ủi mình. 14 năm lên Hà Nội chạy thận, bà nếm đủ mọi cay đắng, buồn phiền, có những nỗi đau tưởng như không thể vượt qua được, nhưng nghị lực đã vượt lên tất cả. Bà đã chiến thắng mọi suy nghĩ tiêu cực, chiến thắng hoàn cảnh để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Đều đặn, một tuần 3 lần bà vào BV Bạch Mai chạy thận, có hôm chạy xong mệt quá, ngủ vờ ngủ vật trong BV rồi lại về xóm trọ. Nhiều gia đình có vợ có chồng, có con cái chăm sóc, nhưng riêng bà cứ lủi thủi một mình quanh năm suốt tháng. 14 năm chạy thận, thì đã 10 năm bà ăn Tết một mình ở xóm trọ này. Bà kể chuyện ngày xưa, đôi mắt bà chùng xuống, trĩu buồn. Rằng, bà cũng một thời con gái như ai, nhưng số phận không may, đau yếu, bệnh tật, bà không dám nghĩ đến một mái ấm gia đình nho nhỏ, có chồng, có con. “Mình đã khổ rồi, đau yếu rồi, không muốn lấy chồng, làm khổ thêm gia đình nữa. Vậy nên, cứ ở vậy, tự lo cho mình, được đến đâu hay đến đó”.
Chúng tôi nghe bà kể chuyện mình, chuyện đời, nhìn dáng người tiều tụy, gầy gò của bà, mà lòng buồn mênh mang. Không chỉ bà Giáng, ở đây gần 130 người là gần 130 hoàn cảnh éo le, chống chọi từng ngày với bệnh tình đeo đẳng. Đời người suy thận ví mình như cây tầm gửi, phụ thuộc vào máy móc, trang thiết bị, sống cuộc đời gắn liền với BV và những chiếc máy lọc thận vô hồn. Họ phải đối diện với những biến chứng như tim mạch, huyết áp, dạ dày, khớp, phổi… và tử thần chực chờ bất cứ lúc nào.
Đời chạy thận - sự sống quá mong manh!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần