[Đòi hỏi cấp bách đầu tư cho hạ tầng giao thông: Hiệu quả luôn phải đi cùng an toàn] Bài cuối: Bài toán huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư công

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến chi đầu tư phát triển là 2.500 ngàn tỷ đồng, chiếm 27 - 28% tống chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Điều đó cho thấy nguồn NSNN cho đầu tư phát triển trong các năm tới tăng không nhiều. Chỉ khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu so với năm 2020 thì dự toán NSNN cho đầu tư phát triển chỉ tăng bình quân 29,4 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Dư địa để tăng chi cho đầu tư rất hẹp

Mặc dù con số trên chỉ là dự kiến, chưa thông qua Quốc hội nhưng để thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào khả năng tăng thu NSNN và đi vay. Để tăng chi NSNN cho đầu tư phải tăng được thu NSNN và tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cơ cấu chi NSNN.
 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng 
Tổng thu NSNN trên GDP là chỉ tiêu đánh giá khả năng huy động GDP vào NSNN của một quốc gia. Cho nên về lý thuyết, tăng thu NSNN phải trên cơ sở tăng GDP. Theo báo cáo của Chính phủ mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 6,5% - 7%, riêng năm 2021 là 6%. Nhìn vào con số tăng trưởng này rõ ràng có kỳ vọng cho tăng thu NSNN.
Tuy nhiên đây là mục tiêu đặt ra để quyết tâm, GDP tăng trưởng bao nhiêu là câu chuyện phía trước khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa biết điểm dừng, hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề. Trong trường hợp này khó có sự đồng pha giữa tăng trưởng GDP và tăng thu NSNN được.
Năm 2020 thu NSNN đạt thấp và năm 2021 tiếp tục thấp nên sẽ gây khó khăn cho cân đối NSNN năm 2021 và các năm sau. Điều đó cho thấy dư địa tăng thu NSNN để tăng chi đầu tư là rất khó. Trong khi câu chuyện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chỉ đầu tư phát triển cũng là vấn đề khó.
Cơ cấu lại chi NSNN để ưu tiên cho đầu tư phát triển đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay thông qua các giải pháp như tinh giản biên chế, sắp xếp cắt giảm bộ máy, giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, tiết kiệm chi thường xuyên,… Theo dự toán cân đối NSNN công bố thì tỷ trọng chi thường xuyên năm 2017 là 64,9% giảm xuống chỉ còn 60,47% năm 2020, giảm được 4,43%.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước thì năm 2020 có tỷ trọng chi thường xuyên là 64%. Nghĩa là sau 3 năm phấn đấu tích cực nhưng tỷ trọng chi thường xuyên chỉ giảm được 0,47% là không đáng kể. Vì thế phải tiếp tục kiểm soát chặt để giảm chi thường xuyên tiếp tục là yêu cầu đặt ra cấp thiết trong thời gian tới.

Đấu thầu tài sản công để bổ sung?

Theo Bộ tài chính, ước tổng thu NSNN năm 2020 là 1.323.100 tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ lãi 118.192 tỷ đồng và trả nợ gốc 245.031 tỷ đồng thì tổng chi trả nợ công đã lên mức 27,45% tổng thu NSNN. Tức thu được 100 đồng phải dùng trả nợ công 24,75 đồng. Từ năm 2021 nghĩa vụ trả nợ công sẽ còn nặng hơn. Về kỷ thuật, phần chi trả nợ gốc không đưa vào cân đối NSNN nên đã che bớt trách nhiệm của NSNN trong nghĩa vụ trả nợ công hàng năm. Dù dùng nguồn vay nợ mới để trả nợ gốc cũ thì cuối cùng NSNN vẫn có nghĩa vụ trả nợ.

Cũng theo Bộ Tài chính, ước chi NSNN năm 2020 là 1.686.200 tỷ đồng, tức bội chi NSNN thực tế 363.100 tỷ đồng, không phải là 234.800 tỷ đồng như dự toán cân đối. Bây giờ tổng vay nợ để trả nợ gốc và bù đắp bội chi NSNN là 608.131 tỷ đồng, chiếm gấn 46% tổng thu NSNN năm 2020 không còn dừng lại ở con số 27, 45% nữa. Đây là tín hiệu báo động mất an toàn NSNN cho các năm tiếp theo. Bài toán vay nợ vừa để trả nợ gốc vừa để bù đắp bội chi NSNN là thòng lọng gây bất ổn định tài chính quốc gia, vì vậy không thể lạm dụng.

Tỷ lệ an toàn nợ công không chỉ đơn giản so với giới hạn “đỏ” là 65% GDP theo quy định của Quốc hội. Tại sao các quốc gia có tỷ lệ nợ công so với GDP ở mức rất cao, chẳng hạn Nhật bản trên 220%, Mỹ khoảng 150% họ vẫn an toàn, trong khi tỷ lệ đó tại một một số quốc gia khác như Hy Lạp hay Venezuela thấp hơn nhiều lại vở nợ? Vấn đề nằm ở chỗ là khả năng trả nợ và chống chọi với nợ của quốc gia đó như thế nào. Đối với nước ta hiện nay nên xác định khả năng trả nợ công là khả năng tăng thu NSNN để cân đối NSNN hạn chế tối đa bội chi NSNN, chứ không nên nhìn góc độ còn khả năng đi vay. Tỷ lệ nợ công trên GDP (đã điều chỉnh) dưới 50% và trên GDP(chưa điều chỉnh) dưới 60% chưa phải là an toàn.

Không thể dựa nhiều vào NSNN để huy động vốn đầu tư HTGT đang đòi hỏi cấp bách với những con số khổng lồ. Thực tế năm 2020 NSNN phân bổ cho đầu tư phát triển là 470.600 tỷ đồng nhưng đồng thời dự toán tổng mức vay nợ là 488.121 tỷ đồng. Bài toán khả dĩ thứ nhất lúc này là phải đột phá trong đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Tại sao kế hoạch cổ phần hóa DNNN năm 2020 thất bại? Những khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới triển khai cổ phần hóa với một số DNNN ngành du lịch, dịch vụ khác là sự thật. Nhưng nhìn tổng quát, phải chăng sự lỏng lẻo trong cơ chế đang được thắt chặt nên khó có chuyện các nhóm lợi ích kiếm lợi nên cổ phần hóa dậm chân tại chỗ.

Bài toán khả dĩ thứ hai là đột phá thu hồi tài sản công và cho phép đấu giá tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển HTGT. Bài toán này thực hiện được 3 mục tiêu: Tăng nguồn vốn cho đầu tư, sử dụng hiệu quả tài sản công và lập lại trật tư kỷ cương trong trách nhiệm quản lý tài sản công. Tình trạng quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công lỏng lẻo, nhiều vi phạm đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn.

"Là một nước đang phát triển với kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị… Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông." - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, hàng loạt thách thức cho năm 2021 và giai đoạn tới đã được chỉ ra. Nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách T.Ư, bao gồm: Vay bù đắp bội chi ngân sách T.Ư khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách T.Ư khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy, tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần