Đòi hỏi những quyết sách

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV (ngày 21/5), trước những vấn đề đặt ra từ báo cáo bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng đã nêu đúng và trúng những vấn đề trọng tâm của nền kinh tế hiện nay.

Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra toàn diện các vấn đề với những điểm được, chưa được cũng như nguyên nhân, khuyết điểm. Dù tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng những lo ngại về sự bền vững, bứt phá để đến mục tiêu đề ra cũng hiện hữu.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Những con số Chính phủ đưa ra trước Quốc hội đã cho thấy những gam màu sáng của nền kinh tế khi mức tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng mạnh. Xuất khẩu cũng tiếp tục đà tăng mạnh khi nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cùng với đó, 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 DN, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Cùng với những điểm sáng rất tích cực ấy, qua đánh giá của Chính phủ cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, vẫn còn những điểm nghẽn trong nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thật vững chắc; mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; DN chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp; công tác dự báo thị trường còn hạn chế, nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng…

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, DN, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Nhưng tình trạng lãng phí, tham nhũng vẫn chưa thực sự được đẩy lùi, vẫn là nỗi “canh cánh bên lòng”. Chưa kể đến tình trạng nông nghiệp chưa gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất với nhu cầu thị trường, việc phải “giải cứu” một số sản phẩm vẫn diễn ra. Cùng với đó là áp lực của nhiều ngành sản xuất trước cánh cửa hội nhập rộng mở không còn rào cản, cũng khiến nền kinh tế vẫn đang chịu sức ép trên nhiều mặt trận…

Chính phủ khẳng định quyết tâm sẽ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7% như Quốc hội đã đề ra. Nhưng như nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quý I/2018 với sự bứt phá về GDP đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng trong 3 quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước.

Bởi thế, để đạt được mục tiêu, rất cần tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến chất lượng tăng trưởng, các trụ cột của nền kinh tế. Phải tạo ra sự bứt phá để tăng trưởng không còn phụ thuộc vào các ngành khai khoáng, khai thác tối đa thị trường nội địa. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tạo lập niềm tin với các nhà đầu tư và cộng đồng DN; tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “đồng hành cùng DN”. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0... Cùng với những giải pháp được Chính phủ đưa ra, cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận để tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá, khắc phục được những khó khăn hiện tại. Để từ đó, tiếp tục đổi mới tư duy, triển khai hiệu quả hơn các chính sách hiện có, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.