Đổi mới công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng: Đòi hỏi cấp thiết

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do nhu cầu thấp, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, ít dự án được triển khai..., khiến ngành xây dựng đứng trước nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh.

Các DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) cần đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm lấy lại đà tăng trưởng.

Nhiều thách thức với kinh tế tuần hoàn

Tại Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Trưởng ban Quản lý quy hoạch khoáng sản (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đang diễn ra tại 44/63 tỉnh, TP trong cả nước (tính đến ngày 31/12/2021) với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ khoáng sản (trong danh mục khoáng sản quy hoạch) được tìm kiếm, điều tra, thăm dò và khai thác với quy mô khác nhau.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Hải Linh
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Hải Linh

Hiện, cả nước có 308 Giấy phép khai thác khoáng sản theo các loại hình khoáng sản do Bộ TN&MT hoặc cơ quan tương đương cấp phép đang còn hiệu lực. Trong đó, đá ốp lát các loại với 93 giấy phép; đá vôi làm xi măng 83 giấy phép; sét làm xi măng 59 giấy phép. Tổng diện tích đã cấp phép các loại khoáng sản 13.465ha, với tổng trữ lượng đưa vào khai thác: 4.382,8 triệu tấn và đá ốp lát: 170,23 triệu mét khối...

Thực tế, việc ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực khoáng sản làm VLXD và khoáng sản làm xi măng thời gian qua đã góp phần đưa nhiều mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp vào thăm dò, khai thác kịp thời. Qua đó, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đóng vai trò quan trọng cho phát triển của đất nước.

Tuy vậy, quá trình triển khai quy hoạch thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như: Thiếu thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và khai thác; Việc chồng lấn các quy hoạch (khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái) lên quy hoạch khoáng sản phổ biến tại một số địa phương.

“Quy hoạch về diện tích và quy mô thăm dò, khai thác, chế biến cần rà soát, điều chỉnh để phù hợp nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp, đảm bảo phát triển hài hòa giữa ngành khai thác, chế biến khoáng sản với phát triển kinh tế tại địa phương” - lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng nói.

Cần những đồng hành

Trước thực trạng tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhiên liệu hóa thạch khan hiếm, trong khi chi phí cho năng lượng ngày một tăng cao, đã đến lúc ngành xây dựng cần phải đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặc dù Chính phủ đã có mục tiêu, định hướng phát triển sản xuất, tuy nhiên vẫn còn có khó khăn ở góc độ DN triển khai.

Chuyên gia kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) Đỗ Xuân Thịnh cho biết, chi phí sử dụng năng lượng chiếm 30 - 40% tổng giá trị sản phẩm. Giá năng lượng đang cao có thể chiếm đến 50% chi phí nhiên liệu.

Trong khi đó, dây chuyền sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, quá trình sản xuất thải ra một lượng chất thải lớn. Để nâng cao năng suất thiết bị trong dây chuyền sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên không tái tạo... Vicem phải đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn bộ thiết bị mới.

Trên cơ sở nội dung Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ, Vicem đã xây dựng lộ trình triển khai nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN sản xuất xi măng dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của DN...

"Nhà nước cần tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN tham gia xử lý chất thải. Có nguồn vốn ưu đãi phục vụ quá trình xử lý, ưu đãi vận chuyển chất thải khi chi phí cho vấn đề này đang rất cao..." - ông Thịnh kiến nghị.

Nhận định về thực hiện cam kết sản xuất xanh của DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Đô Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đá tấm lớn trên diện tích 42,5ha cùng với mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, với công nghệ hiện đại.

"Nhưng để tạo đà cho DN phát triển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Bởi vì khi đầu tư đổi mới công nghệ, DN cần một lượng vốn rất lớn" - ông Sơn cho hay.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050, nhiều DN đều cho biết, họ rất cần nhận được sự quan tâm đầu tư từ nhiều cấp và cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, cần lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện... theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.

 

"Kinh tế Việt Nam nói chung và VLXD nói riêng vẫn gặp khó khăn do tác động từ xung đột Nga - Ukraine, diễn biến khó lường của Covid-19. Những vấn đề khó khăn về tín dụng, thuế, nguồn vốn... cũng tác động mạnh tới DN hoạt động trong lĩnh vực VLXD.

Để có thể sớm chuyển đổi công nghệ, không lỡ nhịp với Cách mạng công nghệ 4.0 cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ mạnh hơn từ Nhà nước, sự quan tâm từ cấp, ngành và các hiệp hội." - Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần