Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới dạng thức thi tốt nghiệp THPT 2025: Chú trọng phát triển năng lực học sinh

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bằng việc công bố dạng thức và đề minh họa 17 môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, có thể thấy đề thi giúp hạn chế lối ôn thi kiểu "mẹo mực", đi vào thực chất kiến thức, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Nâng cao khả năng phân loại thí sinh

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; do vậy đề thi tốt nghiệp sẽ có điều chỉnh về hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Từ năm 2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT còn 4 môn thi
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT còn 4 môn thi

Với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ), kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn duy trì hình thức thi như hiện nay đó là tự luận với môn Ngữ văn và trắc nghiệm với các môn thi còn lại.

Điểm khác biệt lớn nhất trong cấu trúc đề thi là ngoài dạng thức trắc nghiệm cũ (trắc nghiệm nhiều lựa chọn), đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bổ sung 2 dạng thức trắc nghiệm mới (trắc nghiệm dạng Đúng/Sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn).

2 dạng thức này có nhiều phương án nhiễu đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực”, tránh yếu tố may mắn trong quá trình làm bài thi, xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa nhỏ hơn nhiều lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. 2 dạng thức trắc nghiệm mới được cho là phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ. Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực của học sinh.

Cần điều chỉnh phương pháp ôn tập

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cho hay, cấu trúc đề minh họa môn Toán với 3 dạng thức phù hợp với cách đánh giá đang được triển khai trên thế giới. Vì nội dung đề thi mới chủ yếu đưa vào kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11, các năng lực chưa được thể hiện hết song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ là năng lực tư duy, lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề... Đề kiểu này có thể đánh giá, phân loại học sinh chính xác hơn và vì thế vẫn có thể là một căn cứ để các trường ĐH dùng để tuyển sinh.

2 dạng thức trắc nghiệm mới hạn chế ôn thi kiểu "mẹo mực"
2 dạng thức trắc nghiệm mới hạn chế ôn thi kiểu "mẹo mực"

Đối với học sinh, để làm được dạng đề mới, thầy Tùng cho rằng các em phải học thực chất, không học vẹt, học đối phó, đồng thời luôn tìm hiểu gốc rễ, biết mở rộng, tổng quát hóa để có bức tranh toàn diện về một vấn đề. Thêm nữa, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tính toán tốt ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp; rút ra những kinh nghiệm để cải thiện cho bản thân.

Từ việc phân tích đề minh họa Ngữ văn – môn tự luận duy nhất trong kỳ thi, theo các giáo viên tổ Khoa học xã hội – Hệ thống Giáo dục Học mãi thì đề có sự đổi mới về nội dung, cách hỏi để kiểm tra kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh, bám sát những định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản đều không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng… Đây là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi 2025.

Với đề minh họa các môn còn lại, câu hỏi dù có nhiều nội dung gắn với bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học) nhưng vẫn cần tăng các vấn đề, kiến thức có yếu tố thực tế hơn bởi vì chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tính ứng dụng.

Nhận định chung về dạng thức và đề minh họa các môn thi, nhất là môn Sinh học, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, các đề thi phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp, dùng kết quả xét tuyển vào một số trường đại học ở tốp giữa; còn đối với các trường đại học ở tốp đầu cần có sự phân hóa kiến thức hơn nữa.

Để có sự chuẩn bị sớm và tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh nên chủ động điều chỉnh việc ôn tập, bám sát tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đưa ra lời khuyên với thí sinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi đang được chuẩn hóa cao; vì vậy mỗi học sinh cần nắm kiến thức theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và sự chỉ dạy của thầy cô; chú trọng mọi năng lực trong quá trình học tập, không học tủ, không học mẹo để chủ động trước những thay đổi của các hình thức thi.