Đổi mới để bắt kịp thực tiễn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội phù hợp với thực tiễn là yêu cầu tiên quyết, đây là vấn đề được người đứng đầu Quốc hội khóa XV nhiều lần đề cập tới.

Tại phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, vấn đề này một lần nữa được nhắc đến với những yêu cầu cụ thể. Đây cũng là mong đợi của cử tri khi Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV sắp diễn ra.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, việc cải tiến, đổi mới hoạt động là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục và nhận được sự quan tâm của cử tri. Mỗi kỳ họp, mỗi khóa Quốc hội lại có những đổi mới để phù hợp với giai đoạn ấy, cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra từ cuộc sống. Từ việc chuyển từ “tham luận” sang “tranh luận”, đến những đổi mới trong tổ chức chất vấn, biểu quyết, thảo luận… đều cho thấy những hiệu quả rất rõ, nhận được sự hưởng ứng của cử tri. Với khóa XV, một Đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội cũng đang được xây dựng. Nhưng nhiều ý kiến nhận định, việc này cần được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt, trong đó cùng với phát huy vai trò của từng đại biểu, việc đổi mới phương thức hoạt động cũng rất quan trọng.

Các kỳ họp gần đây, do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội đã thực hiện phương thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Thực tiễn cho thấy, đây không chỉ là giải pháp mang tính tình thế mà mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong phương thức tổ chức các kỳ họp. Chính những người trong cuộc cũng nhận định, họp trực tuyến có nhiều lợi thế hơn khi không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, đại biểu địa phương không phải di chuyển nhiều, lãnh đạo địa phương cũng có điều kiện tham gia họp trực tuyến tại nhiều đầu cầu... thay vì phải về Hà Nội để họp cả tháng dài.

Với kỳ họp tới, những phương án đổi mới tiếp theo đang được tính đến như chia tổ thảo luận ở T.Ư và địa phương, biểu quyết trực tuyến, dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu tham gia thảo luận, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp… Đây thực sự là những đổi mới tiếp theo được chờ đợi để giúp Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.
Cùng với đó, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, Quốc hội cũng sẽ chỉ đưa vào chương trình những nội dung được chuẩn bị kỹ. Với việc chuẩn bị qua nhiều vòng một cách chu đáo và kỹ lưỡng, đây sẽ là tiền đề cho một Kỳ họp thứ 2 đổi mới trên tinh thần cố gắng rút ngắn thời gian, đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là những khó khăn dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 còn hiện hữu.

Trên cơ sở đổi mới phương thức tổ chức ấy, điều cử tri chờ đợi chính là những yêu cầu gắt gao về việc phải đi vào thực chất, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Khi thực tiễn liên tục xuất hiện những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, nếu tư duy làm luật cứ theo nếp cũ, ổn định, chi tiết nhưng vẫn cần rất nhiều văn bản hướng dẫn mới thực hiện được sẽ không thể theo kịp, luật sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, dễ gây cản trở sự phát triển.

Bởi thế, với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch và thực sự là động lực kiến tạo sự phát triển, việc đổi mới là đòi hỏi liên tục và cũng cần sự năng động, linh hoạt. Trong phương thức tổ chức kỳ họp cũng vậy, vừa phát triển, vừa thích nghi, vừa điều chỉnh và bắt kịp những chuyển biến, đòi hỏi của thực tế khách quan là cần thiết. Điều đó đã thể hiện sinh động việc Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình.