Đổi mới - đích đến của văn chương Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều cây bút gạo cội, những tên tuổi thành danh của làng văn chương Việt đã hội tụ trong cuộc bàn tròn “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng” diễn ra ngày 28/5 tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đổi mới - đích đến của văn chương Việt - Ảnh 1
Không đơn thuần chỉ là những chia sẻ, quan niệm về cách viết, về đề tài văn chương, mà diễn đàn này còn như vẽ ra một bức tranh hiện thực của làng văn thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Để rồi từ đó, giới cầm bút định hình ngòi bút, cách tiếp nhận văn học và đi tới đích: Vượt lên chính mình và hòa nhập thế giới.

Như các nhà văn nhận định, so với trước đây, thực tiễn sáng tác văn học thời kỳ đổi mới hiện diện và phát triển trong một không gian văn hóa mang hai đặc tính lớn của thời đại là Đổi mới và Hội nhập – hai “từ khóa” quan trọng nhất khi nói về văn học từ sau năm 1986. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi giới sáng tác phải đối diện với câu hỏi: Văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Đã góp thêm gì để làm giàu có thêm di sản tinh thần của nhân loại? Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, dù là sản phẩm tinh thần, văn học vẫn phải chấp nhận và thích ứng với quy luật thị trường, với thời cuộc để giành lấy thị phần trước sự lấn lướt của kỹ thuật truyền thông hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học, khẳng định: “Văn học thời kỳ đổi mới rõ ràng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, những thành tựu ấy gắn liền với sự đổi mới tư duy và tinh thần đối thoại, về chiều sâu nhận thức và ý thức đổi mới diễn ngôn nghệ thuật, về sự đa dạng của các khuynh hướng và giọng điệu”. Dù khó tính đến đâu vẫn phải thừa nhận giữa văn học thời kỳ đổi mới và văn học giai đoạn trước đó có sự khác biệt rõ nét với nhiều bứt phá theo hướng hiện đại, khả năng hội nhập quốc tế được tăng cường. Quả là không ai có thể phủ nhận được đóng góp của những cây bút như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng…; những mạnh mẽ, táo bạo trong chữ nghĩa như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh…; những cá tính, dám viết dám tỏ bày như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Ngọc Tư… Nhưng văn học thời kỳ đổi mới cũng còn nhiều hạn chế, trong đó đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa, đơn giản trong miêu tả hiện thực, văn hóa tranh luận còn nhiều vấn đề. Còn các nhà văn trẻ, so với thế hệ trước, có nhiều ưu thế hơn về nhiều phương diện như học vấn, trình độ cập nhật thông tin, khả năng tham dự giao lưu văn hóa toàn cầu, điều kiện xuất bản… Thế nhưng, họ lại thiếu những thứ mà thế hệ trước từng có như sự trải nghiệm, sự say mê ăn đời ở kiếp với nghề…

Bức tranh văn học Việt được vẽ ra với đủ gam màu sáng và tối, tươi tắn và cũng có cả góc ảm đạm, rôm rả và cũng có góc trầm tư. Thậm chí nhà thơ Vũ Quần Phương còn nhận ra sự xô bồ của văn học “rác” (mà ông còn đặt tên là những con muỗi) trong bầu không khí đổi mới và hội nhập; nhận ra cả sự xuất hiện của một loạt tác giả tựa như thời tự lực văn đoàn, song sau đó “tắt ngấm” không trở lại vì dường như không được kích thích sáng tạo. Song đúng như nhà thơ này bày tỏ: “Đừng bao giờ hẹn nhau đóng cửa lại chỉ vì một vài con muỗi đã bay vào”.

Tất cả các thế hệ nhà văn, bằng những nỗ lực khác nhau, nhưng cuối cùng đều gặp nhau ở một điểm: Sáng tạo vì sự phồn vinh nền văn nghệ dân tộc. Thế nên, đa số các cây bút của văn chương Việt đương đại đều chung quan điểm: “Đổi mới là lẽ sống còn của văn chương nghệ thuật”. Và không gì khác, đó chính là đích đến của văn chương Việt ở phía trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần