Đổi mới giáo dục với lộ trình và bước đi bài bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù chưa ban hành Nghị quyết về "Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT" tại Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI), nhưng chủ trương này của T.Ư lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều nhà quản lý giáo dục.

Đổi mới giáo dục với lộ trình và bước đi bài bản - Ảnh 1
GS.TS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT (ảnh bên) đã có chia sẻ xung quanh vấn đề này.
 
Thách thức lớn 

GS.TS Phạm Minh Hạc cho rằng, mặc dù lấy làm tiếc khi T.Ư chưa ra được nghị quyết về GD&ĐT, nhưng ông lại thấy mừng vì “đây là động thái chậm nhưng chắc” và nhất là hiện tại, hướng đi của ngành giáo dục chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Vì vậy, đổi mới GD&ĐT toàn diện, phải đổi mới từ chương trình giảng dạy; SGK; đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ đối với nhà giáo… tức là phải căn cơ, có lộ trình với những bước đi bài bản.

Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, ngành giáo dục hiện vẫn cứ loay hoay với việc dạy chữ; từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học. Cải tiến mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn... Giáo dục nước ta đang tồn tại nhiều mâu thuẫn lớn. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Điều này được hiểu là kinh tế chúng ta đã đạt mức trung bình của thế giới, nhưng về xã hội thì sự phát triển đã kéo theo nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các chính sách xã hội còn nhiều điều bất cập, do đó cần đổi mới nền giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Mâu thuẫn giữa chính sách phát triển giáo dục nhanh, quy mô lớn với chính sách đầu tư mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra. Khi đầu vào yếu kém chất lượng thì khó đòi hỏi đầu ra hoàn hảo.

Về hoạt động dạy - học, GS.TS Phạm Minh Hạc nhận định: Đang có những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và kỹ năng, giữa học vấn và năng lực hoạt động, giữa hiểu biết và văn hoá ứng xử… Tâm lý xã hội quá nặng nề việc dạy và học chỉ để đi thi, đồng nghĩa với tệ sính bằng cấp, chuộng hư danh. Có một thực tế, nếu không đủ bằng cấp, người ao động sẽ khó xin việc. Một thực trạng đáng suy nghĩ hiện nay là các cơ quan Nhà nước chỉ quan tâm đến bằng cấp mà không cần biết trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm của người xin việc như thế nào.

Ở nhiều địa phương, cấp ủy Đảng và chính quyền chưa chỉ đạo phát triển giáo dục thực sự như là "quốc sách hàng đầu". Vì vậy mâu thuẫn giữa đường lối đúng và thực hiện quá xa với yêu cầu, tình hình giáo dục như hiện nay là đương nhiên. Nguy hiểm hơn, ngành giáo dục trên thực tế lại phụ họa cho triết lý giáo dục bảo thủ của xã hội, từ SGK đến phương pháp dạy học... Điều đó dẫn đến tâm lý học để đi thi và “cả xã hội đi thi”.

Phải tổng điều tra giáo dục

GS.TS Phạm Minh Hạc cho rằng, muốn nâng cao chất lượng cần xây dựng nền giáo dục nhân văn, thực học, thực nghiệp, phát huy giá trị bản thân ở người học. Điều đó có nghĩa, nhà trường phải chú trọng dạy và học để phát huy giá trị con người, phát huy sáng tạo, giá trị nhân văn ở mỗi cá nhân, chứ không đơn thuần là dạy chữ.

Vì vậy, không thể cứ đưa ra bàn mãi lý thuyết về đổi mới giáo dục trong khi không có những nghiên cứu cụ thể, khoa học. GS.TS Phạm Minh Hạc đề xuất: Cần tiến hành một cuộc tổng điều tra giáo dục trên quy mô toàn quốc với phương pháp, công nghệ hiện đại. Điều này rất có thể sẽ tốn nhiều công sức, tiền của, thời gian, nhưng bù lại chúng ta sẽ có một bức tranh tổng thể để có kết luận chính xác, trả lời các câu hỏi: Hệ thống giáo dục đang yếu ở khâu nào? Mức độ ra sao? Để từ đó đưa ra giải pháp khoa học, hiệu quả, điểm "đúng huyệt", giải phẫu thành công căn bệnh của ngành giáo dục.