Quận Hoàng Mai

Đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, đi sát vào cuộc sống người dân

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/12/2022, các đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, để thông báo kết quả kỳ họp thứ 10 khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) và trả lời một số kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Quang Hiếu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai khẳng định: “Các vấn đề thuộc thẩm quyền, Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai sẽ chỉ đạo UBND quận làm ngay''. Ảnh: AT
Đại biểu Nguyễn Quang Hiếu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai khẳng định: “Các vấn đề thuộc thẩm quyền, Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai sẽ chỉ đạo UBND quận làm ngay''. Ảnh: AT

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đã thay mặt tổ đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội báo cáo với các cử tri quận Hoàng Mai về kết quả kỳ họp thứ 10 khóa XVI. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và chăm chú theo dõi trong buổi tiếp xúc.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội được sắp xếp, bố trí khoa học, giảm thời gian trình bày báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian để các vị đại biểu thảo luận, bàn bạc quyết định những vấn đề quan trọng của Thành phố và thực hiện hoạt động chất vấn, tái chất vấn, là chức năng giám sát rất quan trọng của Hội đồng Nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

Quận Hoàng Mai là địa phương tốc độ đô thị hóa cao nhất của Hà Nội. Ảnh AT
Quận Hoàng Mai là địa phương tốc độ đô thị hóa cao nhất của Hà Nội. Ảnh AT

Tại các phiên thảo luận, đã có 63 lượt đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến đi vào các vấn đề trọng tâm của đời sống xã hội. HĐND Thành phố Hà Nội đã xem xét 20 báo cáo và biểu quyết thông qua 23 Nghị quyết với tỷ lệ thống nhất cao.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết: “Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của Thành phố với 22 chỉ tiêu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu”.

Đối với các nghị quyết được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua tại kỳ họp này, trong đó có những nội dung quan trọng như: Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố; định mức phân bổ ngân sách của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025; mức xử phạt đối với các vi phạm lĩnh vực văn hóa; các cơ chế, chính sách, mức chi đặc thù đối với người có công, đối tượng chính sách; chế độ hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa…

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và các đại biểu HĐND Thành phố, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện chất vấn, tái chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề. Đó là tái chất vấn tiến độ thực hiện một số dự án, công trình được UBND Thành phố và các cơ quan cam kết tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân thành phố; chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn Thành phố.

Có 6 ý kiến chất vấn tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh AT
Có 6 ý kiến chất vấn tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh AT

Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Người hỏi ngắn, gọn, rõ ràng, người trả lời đi thẳng vào đúng vấn đề được chất vấn. Đã có tổng số 31 lượt đại biểu phát biểu chất vấn, tranh luận. Có 3 Phó Chủ tịch UBND Thành phố, 9 Giám đốc sở, ban, ngành; 3 Chủ tịch UBND  các quận, huyện đã tham gia trả lời chất vấn.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu báo cáo, tiếp thu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố quan tâm và trả lời trực tiếp chất vấn đối với những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND, của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm

Tại buổi tiếp xúc cử tri đã có 6 ý kiến chất vấn, kiến nghị liên quan đến các vấn đề thiết thực của người dân. Đó là kiến nghị quận Hoàng Mai và Thành phố cần quan tâm đến đời sống người lao động nghèo trong dịp Tết Nguyên Đán; vấn đề cấp quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp; sổ đỏ cho các hộ dân khu HH Linh Đàm; giấy phép xây dựng cho người dân các phường Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Thanh Trì, Yên Sở; các vấn đề nóng liên quan đến cơ sở hạ tầng thoát nước, giao thông trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Khoảng 1.000 ha đất đai ngoài sông Hồng tại địa bàn Hoàng Mai vẫn đang phải chờ quy hoạch chi tiết của Thành phố. Ảnh AT
Khoảng 1.000 ha đất đai ngoài sông Hồng tại địa bàn Hoàng Mai vẫn đang phải chờ quy hoạch chi tiết của Thành phố. Ảnh AT

Đại biểu Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội đã đăng đàn trả lời sâu và mở rộng thêm các vấn đề mà cử tri kiến nghị với các số liệu chi tiết, chính xác. Đồng thời kiến nghị UBND quận Hoàng Mai giám sát bảo vệ quyền lợi cho người lao động, làm rõ cho cử tri các vấn đề vướng mắc và cách giải quyết trong thời gian tới liên quan đến dự án thoát nước. Đại biểu Trương Việt Dũng khẳng định: “Trong năm 2022, HĐND Thành phố đã giải quyết 270 kiến nghị trong các kỳ họp, 573 kiến nghị trước và sau các kỳ họp. Cách làm đổi mới, các vấn đề được nêu cụ thế, có thời hạn và giám sát thực hiện lời hứa. Cách làm đó được Nhân dân ủng hộ và chúng tôi tiếp tục phát huy.”

Ngoại trừ vấn đề cấp sổ đỏ cho khu dân cư HH mà cử tri Phạm Minh Dũng (phường Hoàng Liệt) chất vấn được đánh giá là trả lời sẽ rất dài, vì liên quan nhiều vấn đề, được cử tri Trương Việt Dũng đề nghị trả lời bằng văn bản, 5 kiến nghị được giải quyết tại chỗ được các cử tri đồng tình cao.

Người dân kỳ vọng

Bế mạc kỳ họp, đại biểu Nguyễn Quang Hiếu - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai khẳng định: “Các vấn đề thuộc thẩm quyền, Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai sẽ chỉ đạo UBND quận làm ngay. Vấn đề cấp giấy phép xây dựng khu vực ngoài đê ở hai bên bờ sông Hồng, đoạn chạy qua địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 1,5 triệu dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Phú Xuyên mà Chủ tịch UBND Thành phố đã có chỉ đạo Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ đôn đốc”.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đã trực tiếp đi khảo sát tình hình thực tế đời sống hơn 12.000 người dân sinh sống ngoài đê sông Hồng tại địa bàn phường Lĩnh Nam. Ảnh AT
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đã trực tiếp đi khảo sát tình hình thực tế đời sống hơn 12.000 người dân sinh sống ngoài đê sông Hồng tại địa bàn phường Lĩnh Nam. Ảnh AT

Ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đã trực tiếp đi khảo sát tình hình thực tế đời sống hơn 12.000 người dân sinh sống ngoài đê sông Hồng tại địa bàn phường Lĩnh Nam. Một thực tế là nhiều người dân 6 - 7 năm nay sống trong tình trạng nhà, cửa hư hỏng xuống cấp trầm trọng nhưng phải chờ… thủ tục của chính quyền. Khoảng 1.000 ha đất đai ngoài sông Hồng tại địa bàn Hoàng Mai vẫn đang phải chờ quy hoạch chi tiết của Thành phố.

Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu dân cư ngoài bãi của quận Hoàng Mai được tồn tại, dành quỹ đất 5% phát triển. Đây là cơ hội lớn để địa phương đầu tư xây dựng, ổn định đời sống người dân, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đang bị lãng quên bấy lâu đã được người dân kiến nghị trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND Thành phố và các đại biểu Quốc hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần