Đổi mới mô hình các tổ chức chính trị - xã hội: Quan trọng là tăng tự chủ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bốn phương án đổi mới mô hình tổng thể của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, được đề xuất trong đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức T.Ư, vừa đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Việc lựa chọn theo phương án nào vẫn có những quan điểm khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều cho rằng, việc đổi mới là hết sức cấp thiết, không thể chậm trễ.

 Hội thảo khoa học ''Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội'' diễn ra tại Hà Nội ngày 6/4 vừa qua. Ảnh TTXVN

Đổi mới là cần thiết
Được biết, trong 4 phương án mà đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức T.Ư đưa ra, Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay, tuy nhiên có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trước mắt ở cấp tỉnh, cấp huyện với tên gọi thống nhất là khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở cơ cấu lại cơ quan tham mưu, giúp việc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay. Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội vào thành các ban của MTTQ, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và cấp xã. Phương án 4, hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ.

Nhiều ý kiến nhận định, việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là yêu cầu tất yếu thực tế đòi hòi. Tuy nhiên, đổi mới theo phương thức nào cụ thể, giữ nguyên và tăng tự chủ hay sáp nhập là vấn đề lớn rất cần có cái nhìn nhiều chiều.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính, xét về lý luận và thực tiễn đều cho thấy cần đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, đề cao tính tự chủ, chủ động thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Đồng ý tinh gọn bộ máy phải như một yêu cầu bắt buộc, bởi thực tế không đủ ngân sách để nuôi các bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả, song, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (UB T.Ư MTTQ Việt Nam) Nguyễn Viết Chức cho rằng, tinh gọn bộ máy không phải xóa cái này, xóa cái kia.
Mục tiêu là làm bộ máy đó trơn tru, hoạt động hiệu quả hơn. "Việc đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, tinh giản bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn, phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt và đặc biệt phải có uy tín trước cư dân nơi mình đang sinh sống, nơi mình đang công tác." - ông Chức nhấn mạnh.

Bên cạnh ý kiến tán đồng đổi mới, tinh gọn bộ máy, có không ít ý kiến lại muốn giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay; tiến hành thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung. Nguyên Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng đồng thuận với phương án giữ nguyên. Tuy nhiên, ông đề nghị cần xem xét để có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức. Bên cạnh đó, theo chức năng nhiệm vụ có thể thành lập một văn phòng chung để phục vụ cho MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Không thể mãi bao cấp

Trước thực tế ngân sách chi cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội chiếm một tỷ lệ không nhỏ nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong tình hình ngân sách khó khăn, chúng ta không thể bao cấp mãi cho các Hội hoạt động. "Tôi tán thành quan điểm Nhà nước chỉ hỗ trợ hoặc bảo đảm chi phí, kinh phí cho các nhiệm vụ Nhà nước giao hoặc các công trình dự án mà hội, đoàn thể tham gia theo cơ chế đấu thầu chứ không cấp kinh phí tràn lan. Hiện nay bộ máy Nhà nước đang phải thu gọn thì các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cũng phải thu gọn lại để tăng thêm hiệu lực, hiệu quả chứ không nên phân tán tổ chức, con người…" - ông Nhưỡng nói.
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao quà cho các hộ nghèo tỉnh Phú Thọ.
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng cho rằng, dù phương án nào thì cũng phải thừa nhận Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội có tính chất độc lập về tổ chức, phương thức hoạt động. Vì vậy, nên theo hướng tinh gọn, hoạt động thiết thực, hiệu quả thì trách nhiệm của người đứng đầu sẽ tăng lên. Theo đó, cần phải đặt vấn đề kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả, thực chất.

Sắp xếp, tái cơ cấu các tổ chức chính trị - xã hội chắc chắn sẽ góp phần giảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, đồng thời vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, vì thế, không ít ý kiến cho rằng, cần có sự đánh giá chi tiết từ lý luận đến thực tiễn và làm kỹ từng bước, có kiểm chứng và tổng kết rộng rãi, minh bạch ở mọi ngành, mọi cấp thì việc đổi mới mới thực sự hiệu quả.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: 

Rút gọn đầu mối và thí điểm ở cấp cơ sở là xu hướng phù hợp

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, 5 tổ chức chính trị - xã hội thuộc MTTQ Việt Nam đã có đóng góp rất lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do tình hình mới, nên thay đổi phương thức tổ chức để không những đảm bảo chức năng quản lý, chức năng vận động của từng tổ chức chính trị - xã hội mà còn đảm bảo yêu cầu tinh giản đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng bộ máy theo tinh thần của Bộ Chính trị. Để làm được điều đó, cần phải có quá trình thực hiện thí điểm. Bởi đây là bài toán khó vì liên quan đến việc giải quyết biên chế dôi dư. Nhưng chúng ta cần xác định là phải chọn lựa những người thích hợp, có cơ chế đãi ngộ tương xứng với vị trí đảm đương để họ có thể tập trung sức lực, trí tuệ làm việc thích hợp với mô hình bộ máy mới. (Thủy Tiên ghi)
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa:

Từng bước tự chủ về tài chính và tổ chức

Để phù hợp với đặc thù của các tầng lớp Nhân dân, các đối tượng liên quan đến nhiều thành phần khác nhau, cần phải có tổ chức đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp Nhân dân. Nếu đại diện cho Nhân dân lại thu về một mối sẽ không đảm bảo dân chủ, nên giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng hoạt động, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức. 
Phó Bí thư Thành đoàn TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt:
Thực hiện có lộ trình

Các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp quận, huyện nên thành lập một ban chung, ví dụ MTTQ với Dân vận. Còn các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, TP đang trong thời điểm nghiên cứu chỉ nên sắp xếp lại, chưa nên làm đồng bộ, dồn lại như Quảng Ninh vừa rồi. Theo đó, nên giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện. (Trần Thảo ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần