Đổi mới nhân sự, nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận trong nhiệm kỳ mới

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Chỉ thị 22 của Ban Bí thư đã yêu cầu có đổi mới về nhân sự Đại hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận nhiệm kỳ mới, lựa chọn người có năng lực, trách nhiệm cao với đất nước và công tác Mặt trận"- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.

Ngày 29/6, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến các vị nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam về định hướng xây dựng Báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị

Nâng cao sức mạnh đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, dự thảo Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Cùng với xây dựng văn kiện Đại hội, cũng đặt ra yêu cầu phải có đổi mới về nhân sự Đại hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận trong nhiệm kỳ mới. Việc xây dựng nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ mới có thể mở rộng thành phần, số lượng tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu trong nước và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài; lựa chọn những người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với đất nước và công tác Mặt trận tham gia Ủy ban Mặt trận các cấp, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban T,Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt phát biểu 
Nguyên Chủ tịch Ủy ban T,Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt phát biểu 

“Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng, cụ thể của các cụ, các vị, các đồng chí góp ý vào xây dựng Báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ sẽ chắt lọc tiếp thu, xây dựng và hoàn thiện các dự thảo văn kiện, với mong muốn lớn nhất tổ chức một kỳ Đại hội thành công trên tất cả phương diện văn kiện, nhân sự và công tác hành chính, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội”- ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Dự báo được những vấn đề mới đặt ra với công tác Mặt trận

Tại Hội nghị, các vị nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm vào việc xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và sửa đổi điều lệ MTTQ Việt Nam. Hầu hết cho rằng, để tổ chức Đại hội thành công phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các văn kiện, quá trình xây dựng Báo cáo chính trị cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân như chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 22-CT/TW ngày 25/5/2023 về lãnh đạo Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Đồng thời, các nội dung dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng, thực chất, khách quan tình hình các tầng lớp Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, khẳng định kết quả đạt được, chọn lựa những mô hình hay, cách làm tốt, nhân tố mới; thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; những kết quả nào nên tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ tới; những hạn chế nào cần phải khắc phục.

Trên cơ sở đó, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024-2029 cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; phân tích đầy đủ bối cảnh tình hình, dự báo thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới đặt ra với công tác Mặt trận; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp đột phá nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp Nhân dân; tiếp tục triển khai hiêu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quang cảnh Hội nghị xin ý kiến định hướng xây dựng Báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Quang cảnh Hội nghị xin ý kiến định hướng xây dựng Báo cáo chính trị và sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Qua thảo luận, các ý kiến cũng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam phải phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Với việc nhận diện rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được Điều lệ quy định hoặc có quy định nhưng chưa phù hợp, việc sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho hoạt động của cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới…

Tiếp thu những ý kiến sâu sắc, tâm huyết và gắn với thực tiễn của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho hay, từ ý kiến của đại biểu thông qua các Hội nghị góp ý của MTTQ Việt Nam, các thành viên Tổ biên soạn Tiểu ban Văn kiện và Tổ giúp việc Tiểu ban nghiên cứu, sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện để dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ mới phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi. Đồng thời, phải thể hiện được vai trò chủ trì hiệp thương, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam và vai trò của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tại Quy định 97-QĐ/TW ngày 7/2/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự Đảng ở T.Ư.

Quy định này nêu rõ: "Thành viên Đảng đoàn MTTQ Việt Nam gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, trưởng các tổ chức CT-XH, các Ủy viên T.Ư Đảng (chính thức và dự khuyết) tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Trưởng Ban Tổ chức cán bộ cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm Bí thư Đảng đoàn, 1 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm Phó Bí thư Đảng đoàn.".

“Dự thảo Báo cáo chính trị phải khẳng định được vai trò nòng cốt của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như vai trò nòng cốt để Nhân dân làm chủ; phải tạo nên đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động; đề ra phương hướng nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội và giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu giai đoạn hiện nay”- ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ.