Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Do vậy, các hoạt động hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp là những dấu mốc quan trọng trong việc hợp tác giữa các bên. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề thu hút, tập hợp các nguồn lực, khuyến khích các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tham gia hợp tác, hỗ trợ và cộng hưởng, hướng tới sự phát triển bền vững.
“Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, tạo điều kiện để các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Quốc phòng hợp tác chặt chẽ với NIC để cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, triển khai một số hoạt động thuộc Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN)” – ông Trần Duy Đông nói.
Theo các đại biểu, thời gian qua, doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp quân đội nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm toàn cầu, giá cả các loại nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao...
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối ổn định, các chỉ tiêu kinh tế chính cơ bản đạt kế hoạch giao, duy trì được nhịp tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, một số doanh nghiệp vẫn duy trì tốt nhịp độ sản xuất và có sự tăng trưởng doanh thu.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản khẳng định, thời gian tới, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đang có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển của các Tập đoàn đa quốc gia.
Vì vậy, yêu cầu nâng cao khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đưa Việt Nam trở thành một trong những “công xưởng” sản xuất của thế giới. Hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam cần có những doanh nghiệp mạnh, có vai trò đầu tàu dẫn sắp kết nối với các doanh nghiệp khác trở thành các doanh nghiệp vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Để doanh nghiệp quân đội có những bước phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh... đòi hỏi mỗi doanh nghiệp quân đội cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn” - Thượng tướng Vũ Hải Sản chỉ đạo.
Thượng tướng Vũ Hải Sản đồng thời yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ... từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện củng cố, phát triển một số tập đoàn, tổng công ty trong Quân đội có quy mô phù hợp, trở thành doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, hoạt động hiệu quả, bền vững...