Khoa học và sáng kiến nền tảng cho Agribank xây dựng ngân hàng số
Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của chuyển đổi số, việc phát triển hoạt động khoa học và sáng kiến (KH&SK) đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới từ bên trong tổ chức. Với một hệ thống có quy mô và sứ mệnh đặc thù như Agribank, KH&SK không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả vận hành, mà còn là nền tảng để xây dựng ngân hàng số bền vững, hiện đại và thích ứng linh hoạt với xu thế công nghệ mới.
Vai trò của khoa học và sáng kiến trong chiến lược chuyển đổi số tại Agribank
Chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu, là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng. Không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu thay đổi toàn diện từ tư duy quản trị, mô hình vận hành đến năng lực nội tại của từng tổ chức tài chính. Đối với ngành ngân hàng, đây không chỉ là “cuộc chơi công nghệ”, mà là một chiến lược tất yếu trong việc nâng cao năng suất lao động, kiểm soát rủi ro, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và giữ vững vị thế cạnh tranh.
Agribank, với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vị trí chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội, không đứng ngoài cuộc chuyển đổi mang tính thời đại này. Từ định hướng chiến lược được đặt ra trong Quyết định số 620/QĐ-HĐTV-NHS về kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Agribank xác định quá trình chuyển đổi số không thể chỉ dựa vào yếu tố công nghệ, mà còn cần nền tảng tri thức vững chắc, xuất phát từ chính nội lực của tổ chức. Trong đó, hoạt động nghiên cứu KH&SK đóng vai trò quan trọng, là công cụ giúp ngân hàng tự tạo ra các giải pháp đổi mới mang tính đặc thù, phù hợp với yêu cầu quản trị và vận hành trong môi trường số.

Hội đồng nghiệm thu nhóm nghiên cứu đề tài cấp Agribank chụp ảnh lưu niệm
Khác với các ngân hàng thương mại cổ phần có khả năng mua sẵn giải pháp công nghệ từ bên ngoài, một tổ chức quy mô lớn, có mạng lưới và mô hình tổ chức đặc thù như Agribank buộc phải xây dựng “hệ sinh thái đổi mới” từ bên trong. Hoạt động KH&SK chính là điểm nhấn quan trọng cho hệ sinh thái đó, nơi tập hợp và lan tỏa những sáng kiến, cải tiến từ thực tiễn của từng đơn vị, từng cán bộ trong toàn hệ thống.
Thực trạng hoạt động khoa học và sáng kiến tại Agribank trong bối cảnh chuyển đổi số ngành ngân hàng
Hoạt động KH&SK tại Agribank chính thức được khởi động từ năm 2000, khi Hội đồng khoa học được thành lập. Đây được coi là bước đi tiên phong trong việc thiết lập cơ chế nghiên cứu và đổi mới nội bộ trong hệ thống ngân hàng. Từ một mô hình còn mới mẻ, đến nay hoạt động này đã phát triển thành một hệ thống tổ chức với các quy chế, quy định cụ thể từ việc đăng ký đề tài, thẩm định, xét duyệt, nghiệm thu đến công nhận, khen thưởng và ứng dụng trong thực tiễn. Hiện tại, Hội đồng khoa học Agribank bao gồm các thành viên là lãnh đạo cấp cao, chuyên gia có học vị và đại diện các ban chức năng chủ chốt, thể hiện rõ sự quan tâm từ cấp lãnh đạo đối với hoạt động KH&SK. Agribank hiện áp dụng song song hai hình thức: nghiên cứu khoa học thực hiện đề tài, sáng kiến cấp Agribank hướng đến giải quyết các vấn đề chiến lược, quy mô lớn; sáng kiến kinh nghiệm từ đơn vị thành viên, tập trung vào cải tiến quy trình, nghiệp vụ… tại từng đơn vị.
Tính đến tháng 5/2025, Agribank đã triển khai 24 đề tài cấp hệ thống, nghiệm thu 21 đề tài, trong đó có nhiều đề tài đạt loại xuất sắc, được ứng dụng trong quản lý tín dụng, số hóa dịch vụ bán lẻ, xử lý nợ có vấn đề, và cải tiến quy trình vận hành ngân hàng. Riêng giai đoạn 2021-2024, giai đoạn chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đã có 18 đề tài đăng ký, trong đó 8 đề tài được triển khai, 6 đề tài nghiệm thu với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống đã thẩm định và công nhận 2.038 sáng kiến, riêng trong 3 năm gần nhất đã ghi nhận 1.241 sáng kiến, nhiều sáng kiến tiêu biểu được đề xuất nhân rộng và khen thưởng.
Điều đáng chú ý là các đề tài, sáng kiến trong thời kỳ gần đây đều gắn chặt với các mục tiêu chuyển đổi số. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào: số hóa quy trình tín dụng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong định giá tài sản và phân tích rủi ro, ứng dụng eKYC, xây dựng nền tảng hợp đồng điện tử, phát triển phần mềm hỗ trợ giao dịch bán lẻ, và quản lý dữ liệu khách hàng… Đây là những lĩnh vực quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa mô hình ngân hàng số. Không chỉ dừng lại ở Trụ sở chính, các chi nhánh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất sáng kiến xuất phát từ chính thực tiễn địa phương, nơi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, một lợi thế riêng biệt của Agribank.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hoạt động KH&SK tại Agribank hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng gia tăng áp lực lên mô hình tổ chức truyền thống của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Khoa học và sáng kiến: Nền tảng phát triển bền vững của Agribank thời đại số
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, nơi mà công nghệ đang tái định hình toàn bộ cấu trúc của nền tài chính - ngân hàng, thì tri thức, đề tài/sáng kiến và đổi mới sáng tạo đã vượt ra khỏi vai trò hỗ trợ, để trở thành trụ cột chiến lược cho phát triển bền vững và cạnh tranh dài hạn. Đối với một tổ chức tài chính có quy mô và sứ mệnh đặc biệt như Agribank, vừa là ngân hàng thương mại nhà nước, vừa là chủ lực trong phục vụ “Tam nông” thì hoạt động KH&SK không chỉ là nhiệm vụ nội bộ, mà còn là động lực nội sinh, là công cụ để hội nhập chuyển đổi số một cách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm an toàn hệ thống, và tạo ra các mô hình tăng trưởng mới.
Từ năm 2000 đến nay, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2024, Agribank đã xây dựng được một hệ thống KH&SK tương đối đồng bộ với hàng chục đề tài nghiên cứu cấp hệ thống, hơn 2.000 sáng kiến được công nhận và hàng loạt ứng dụng đã góp phần thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả vận hành và trải nghiệm khách hàng. Những thành quả này khẳng định vai trò trung tâm của hoạt động nghiên cứu - sáng kiến trong tiến trình hiện đại hóa ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động KH&SK tại Agribank vẫn còn không ít rào cản: khoảng cách giữa tiềm năng và thực tiễn, quy trình triển khai chưa linh hoạt, mức độ ứng dụng của một số đề tài/sáng kiến chưa cao, văn hóa đổi mới trong một số bộ phận vẫn chưa được thúc đẩy đủ mạnh. Những điểm nghẽn này, nếu được giải quyết sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư cho KH&SK phát triển kịp tiến trình chuyển đổi số.
Có thể nói, để KH&SK thực sự trở thành một hệ sinh thái đổi mới, có cơ chế, có nguồn lực và có văn hóa, Agribank cần thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ: hoàn thiện hành lang pháp lý, số hóa toàn bộ quy trình KH&SK, phát triển năng lực sáng tạo nội bộ và gắn chặt đề tài/sáng kiến với ưu tiên chiến lược ngân hàng. Quan trọng hơn cả là làm cho đổi mới sáng tạo trở thành một phần của bản sắc tổ chức, nơi mỗi cán bộ, dù là lãnh đạo cấp cao hay giao dịch viên đều cảm thấy mình có thể tạo ra giá trị mới từ ý tưởng, tri thức và thực tiễn.
Trong thời đại mà lợi thế cạnh tranh không còn nằm ở nguồn lực tài chính hay tài sản vật chất, mà nằm ở tốc độ học hỏi và khả năng đổi mới, thì việc đầu tư bài bản, chiến lược và dài hạn cho hoạt động KH&SK chính là con đường đúng đắn và tất yếu để Agribank không chỉ chuyển đổi số thành công, mà còn vươn lên trở thành một tổ chức tài chính học tập, sáng tạo và tiên phong trong kỷ nguyên số.

6 hệ thống công nghệ, sản phẩm dịch vụ Agribank được công nhận “Giải thưởng Sao Khuê 2025”
Kinhtedothi- Năm 2025 ghi nhận tăng trưởng vượt bậc trong số lượng cũng như chất lượng của các đề cử của Agribank được công nhận và vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê năm 2025 trên nhiều lĩnh vực: Quản trị Doanh nghiệp đặc thù, Quản trị tài sản, Dữ liệu số và Tiện ích số.

Agribank trao 1 tỷ đồng cho khách hàng trúng thưởng chương trình Tiết kiệm dự thưởng
Kinhtedothi- Ngày 26/4/2025, tại trụ sở Agribank Chi nhánh Kiên Giang II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Lễ trao thưởng Giải Đặc biệt trị giá 01 tỷ đồng cho khách hàng trúng thưởng chương trình Tiết kiệm dự thưởng “Xuân tích lũy - Quỹ đong đầy”.

Thẻ đồng thương hiệu Agribank Napas - Mastercard: Thanh toán một chạm, kết nối toàn cầu
Kinhtedothi- Ngày 15/5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tự hào là một trong 6 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đồng hành cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty Mastercard chính thức ra mắt Thẻ đồng thương hiệu Agribank NAPAS – Mastercard đầu tiên tại thị trường Việt Nam.