Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới thể chế và quản trị doanh nghiệp: Cơ sở để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn

GS.TSKH Nguyễn Mại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm hội tụ của thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là lòng tin của cả dân tộc vào vận hội mới của đất nước để gia tăng tốc độ phát triển theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh, xích gần và tiến kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Thaco.
DN và doanh nhân là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển DN vừa và nhỏ, cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT).
Cần được khuyến khích phát triển
Các TĐKT lớn của thế giới thường là các công ty xuyên quốc gia (TNC) kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhà máy, cửa hàng, văn phòng đại diện ở nhiều nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh với hình tượng “mặt trời không bao giờ lặn tại tập đoàn”. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới do có chính sách khuyến khích phát triển DN, là ba nước có nhiều TĐKT nhất trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, năm 2010 mới bắt đầu có một số TĐKT tư nhân quy mô lớn. Từ đó, do môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện, nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới nên một số TĐKT tăng trưởng nhanh chóng. Một số TĐKT tiêu biểu như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Đèo cả, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, FPT…
Đại đa số Chủ tịch các TĐKT Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu “Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tin tưởng: “Các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”.
Thành tựu kinh tế - xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2019 là tiền đề để thực hiện vượt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 2 triệu DN tư nhân, trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, cần có giải pháp về thể chế và quản trị DN. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa DN với ngân hàng, với cơ quan Nhà nước.
TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích lũy vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh, hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch.
Hình thành thương hiệu, tích tụ nguồn vốn
Thương hiệu là tài sản, yếu tố sống còn của TĐKT; trước hết phải trở thành số một trên thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả cạnh tranh đề chinh phục người tiêu dùng Việt. Trên cơ sở đó từng bước vươn ra khu vực rồi toàn cầu. Đó là chiến thuật rất thành công của Keiretsu của Nhật Bản và Chaebol của Hàn Quốc. Một ví dụ điển hình là Waltmart - nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc chính do chiến thuật này của Lotte. Đó cũng là bài học được đúc rút từ kinh nghiệm của Vingroup khi một số tập đoàn Thái Lan mua lại các siêu thị như Metro, BigC; chính bằng việc hình thành chuỗi cung ứng nông sản từ hợp tác xã sản xuất - nhà phân phối - siêu thị với chiết khấu thấp hơn nhiều so với Metro, BigC nên đã có lợi thế cạnh tranh với các ông chủ người Thái trên thị trường nội địa.
Các tập đoàn đã khẳng định được vị thế trong nước cần tận dụng lợi thế của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ hội mới khi nước ta ký nhiều FTA thế hệ mới để có chiến lược kinh doanh, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ TĐKT xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.
TĐKT có nhiều phương thức huy động để tăng nhanh vốn kinh doanh đáp ứng đòi hỏi mở rộng quy mô của DN. Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tập đoàn. Trên thế giới, TĐKT phổ biến có 5 phương thức huy động vốn: Phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu ưu đãi, phát hành cổ phiếu thường, đi vay, sử dụng lợi nhuận.
Coi trọng công nghệ và nguồn nhân lực
TĐKT cần coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, các TĐKT đóng góp khoảng 40% chi phí R&D của quốc gia. R&D là yếu tố quyết định thành công của tập đoàn theo hướng “đổi mới và sáng tạo”, luôn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Samsung là một bài học thành công điển hình để các DN Việt Nam học tập. Từ một thương hiệu điện tử không nổi tiếng, bằng việc tập trung nguồn lực vào R&D nên chỉ khoảng 10 năm, Samsung trở thành thương hiệu số 1 trên thị trường thế giới không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà còn trong lĩnh vực viễn thông. Nhà nước cần khuyến khích DN đổi mới công nghệ và R&D bằng chính sách ưu đãi như “khấu hao nhanh”, áp dụng cơ chế thuận lợi và thủ tục đơn giản để DN tiếp cận được các quỹ của ngành và của địa phương.
Đội ngũ cán bộ quản trị DN, kỹ sư, chuyên gia kinh tế, công nhân lành nghề là nhân tố quyết định thành công của TĐKT. Một số TĐKT nước ta đã hình thành chiến lược thu hút người tài, tiền lương và thu nhập cao, lao động và phúc lợi tốt để vừa có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa kế thừa bằng vài thế hệ để duy trì, phát triển tập đoàn.
Cùng với đó, hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để DN Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới. Do số lượng DN đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn nên cần có Luật Đầu tư ra nước ngoài (thay cho một chương trong Luật Đầu tư 2014 đang được sửa đổi) để điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi và mở rộng hợp tác giữa các DN ở từng nước. Đồng thời giám sát, kiểm tra có kết quả việc chuyển vốn bằng ngoại tệ ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận, vốn khấu hao về nước, bảo đảm an ninh của thị trường ngoại hối.
Nghị quyết của Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 5 (Khóa XII) khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Nghị quyết tạo ra cơ hội mới đối với phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển DNVVN, DN khởi nghiệp. Đồng thời khuyến khích việc hình thành và phát triển các TĐKT lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để làm chủ thị trường trong nước, từng bước tăng cường vị thế của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
 

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) - TS Nguyễn Đình Cung: Còn nhiều dư địa để cải cách

Trong năm 2019 và kể từ năm 2016 đến nay, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung phát triển tương đối ổn định và có sự cải thiện khá rõ nét so với trước. Những thành tích vừa qua đến từ việc Chính phủ luôn kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tăng thêm lòng tin cho các nhà đầu tư cũng như DN. Hàng loạt cải cách được thực hiện, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, tốc độ, không khí cải cách có vẻ chùng xuống so với đầu nhiệm kỳ. Còn rất nhiều dư địa để cải cách nhưng các bộ, ban, ngành không nhìn thấy áp lực buộc phải làm. Cải cách vi mô phải là một sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho DN. Phải cải cách mạnh mẽ hơn, cái gì cần bỏ phải bỏ, cái gì cần làm phải làm và làm trên cơ sở khoa học. Cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường, dù tìm kiếm lối đi riêng thì vẫn phải tuân theo quy luật, không nằm ngoài những vấn đề mà thế giới gặp phải.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ các quy định hành chính bất hợp lý; đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh mới cho nền kinh tế. Tôi kiến nghị đừng để các Bộ tự làm. Đây là lĩnh vực đầy rẫy xin – cho và quyền lợi, không ai tự bỏ quyền của mình cả. Để các Bộ tự làm với nhau thì chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp thôi, không giải quyết được vấn đề.

 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - TS Mạc Quốc Anh: Khuyến khích, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp

Chúng tôi đề xuất 4 khuyến nghị nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam: Xác định, lập bản đồ và phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp tiềm năng và các thành phần trong đó, mối quan tâm, nhu cầu hỗ trợ chính sách; Thiết lập mục tiêu chính sách chung và kế hoạch thực hiện để hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp; Áp dụng biện pháp tiếp cận tổng thể và xử lý mọi nội dung trong hệ sinh thái khởi nghiệp; Có không gian để thử nghiệm chính sách và áp dụng biện pháp tiếp cận “kết thúc nhanh khi thất bại” trong việc thiết kế và đưa ra các chương trình, sáng kiến chính sách, tránh các thông lệ quá cứng nhắc.

 

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostBank Nguyễn Đình Thắng: Ba thành tố quyết định chuyển đổi số thành công

Tất cả các nước trên thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh 4.0 trọng tâm là nền kinh tế số để xây dựng xã hội số, Chính phủ số, công dân số. Điều này cần đến thay đổi tất cả toàn diện khía cạnh của DN, quốc gia trên thế giới, ai có chiến lược tốt hơn, chạy nhanh hơn sẽ về đích sớm hơn. Để hiện thực được khát vọng bước lên con tàu 4.0 hội nhập kinh tế cần đến 3 thành tố. Một là thể chế, nền tảng kiến tạo sự đổi mới. Hai là, chúng ta cần công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải tiến ứng dụng sử dụng công nghệ cao. Ba là con người, thành tố này bao gồm vai trò tiên quyết của DN Việt Nam.

Chuyển đổi số là quá trình dài, nhanh hay chậm, thành công hay thất bại đều cần đến vai trò, sự quyết tâm của người đứng đầu. Chuyển đổi số Việt Nam muốn thành công được thì vai trò, trách nhiệm, quyết tâm quyết liệt của Đảng, Chính phủ là điều kiện tiên quyết.