Ông Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, cách thi mới sẽ chữa được căn bệnh "đổ lỗi" giữa các bậc học. Ông Sơn phân tích, trước đây, HS THPT yếu kém thì trường đổ lỗi cho việc đào tạo từ THCS. Tương tự, khi HS Tiểu học lên THCS, nhiều giáo viên lại đổ lỗi cho Tiểu học vừa học vừa chơi, lên THCS thầy cô giáo rất vất vả, mất thời gian lấp lỗ hổng kiến thức cho các em. Theo tôi, với hình thức thi mới này, hiệu quả đào tạo của từng cấp học sẽ hiện rõ ngay qua điểm số của HS.
Thực tế, chúng tôi tiếp nhận HS, điểm thi đầu vào rất cao, nhưng khi làm những bài kiểm tra của môn không thi, kết quả lại rất thấp, có những kiến thức rất cơ bản HS cũng không nắm được. Điều này khiến giáo viên phổ thông vất vả bù lại phần kiến thức hổng. Nếu thay đổi cách thi như phương án Sở GD&ĐT đưa ra, trong đó HS sẽ phải thi thêm 1 bài thi tổ hợp (tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc tổ hợp 2 gồm: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học), HS sẽ không còn quan niệm môn chính, môn phụ mà phải tập trung học các môn. Đồng thời, HS cũng không thể né tránh được việc phải học tốt môn Ngoại ngữ (Ngoại ngữ xuất hiện ở cả 2 tổ hợp thi).
Hơn nữa, với bài thi tổ hợp này sẽ khiến HS phải học đều, không thể trông chờ vào học thêm. Trước đây, HS coi thường những môn không thi, buộc các thầy cô phải dạy đối phó. Cách thi cũ khiến cách học phiến diện, chăm chăm vào thi môn gì học môn ấy. Học để thi chứ không phải để phát triển bản thân. Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này. Hiện nay, chương trình THCS là dạy đại trà, tuy nhiên, khi HS vào trường THPT, các trường lại cho HS lựa chọn theo ban, theo ngành, do đó, đổi mới thi, HS cấp II bắt buộc phải học đồng đều là phù hợp.