Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối ngoại Mỹ biến động hậu bầu cử giữa kỳ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc đảng Cộng hòa (GOP) nhiều khả năng sẽ giành đa số hẹp tại Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 8/11, thế giới dự báo sẽ chứng kiến không ít thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm cả ở chiến trường Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về kết quả bầu cử giữa kỳ từ Nhà Trắng, hôm 9/11. Ảnh: New York Times
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về kết quả bầu cử giữa kỳ từ Nhà Trắng, hôm 9/11. Ảnh: New York Times

Siết hầu bao cho Ukraine, hành động với Trung Quốc

Trong khi Quốc hội Mỹ mới chủ yếu sẽ vẫn tập trung xử lý các vấn đề trong nước như lạm phát và giá xăng - dầu, các đảng viên Cộng hòa dự kiến sẽ lãnh đạo các ủy ban lớn tại Hạ viện đã báo hiệu rằng, họ sẵn sàng gây áp lực với chính quyền Tổng thống Joe Biden về các vấn đề an ninh quốc gia.

Tháng trước, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng, nếu đảng của ông chiếm lại đa số, họ không chấp thuận viện trợ “không đáy” cho Ukraine. “Tất cả sẽ đối mặt với suy thoái và không ai ngồi viết séc trắng cho Ukraine nữa” - ông McCarthy, ứng cử viên hàng đầu để trở thành Chủ tịch Hạ viện, nói trong một tuyên bố hồi tháng 10 vừa qua.

Ước tính, Mỹ đã gửi cho Ukraine khoản viện trợ an ninh trị giá 60 tỷ USD kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022. Mặc dù có sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với vấn đề Ukraine, nhưng cánh hữu theo chủ nghĩa biệt lập của GOP đã nhiều lần công khai chỉ trích sự hậu thuẫn vô điều kiện của Washington dành cho Kiev.

Tuy nhiên, chuyên gia chính sách tại Eurasia Group - Clayton Allen cho rằng, bình luận của ông McCarthy không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine. Ông dự báo nhiều câu hỏi và điều kiện từ Hạ viện cho cả Nhà Trắng và Ukraine về khoản viện trợ an ninh, thay vì cắt giảm.

“Không có séc trắng không phải là không có séc” - ông Allen nói với báo giới hôm 9/11 - “Những gì ông ấy (ông McCarthy) dự báo là Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái vào năm tới, và các cử tri sẽ không đủ kiên nhẫn để trao đi hàng chục tỷ USD mà không kèm theo điều kiện gì”.

Thượng viện Mỹ cũng có sự chia rẽ nhất định về Ukraine. Trong khi các thành viên thân cận với cựu Tổng thống Donald Trump như JD Vance - một Thượng nghị sĩ mới đắc cử từ bang Ohio - đã kêu gọi cắt giảm viện trợ, đa số thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện phản đối chính sách đó. Tháng trước, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng ở thế đối nghịch với ông Kevin McCarthy, khi lên tiếng kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fox News, ông McCarthy tiết lộ rằng một Hạ viện Mỹ do GOP lãnh đạo nhiều khả năng sẽ thành lập một ủy ban được lựa chọn chỉ tập trung vào Trung Quốc, để giải quyết những lo ngại về việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và làm thế nào để củng cố tốt nhất chuỗi cung ứng trong nước, cũng như sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thương mại Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Michael Waltz, người đã hỗ trợ điều phối chính sách của GOP tại Hạ viện về Trung Quốc, nói với ABC News rằng đa số GOP sẽ tiếp tục hành động để đưa các chuỗi cung ứng của Mỹ “về gần nhà”, đồng thời thúc đẩy xem xét kỹ lưỡng cả các khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty quan trọng của Mỹ, và các khoản đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghiệp chủ chốt ở nước ngoài.

Loạt kế hoạch điều trần về Trung Đông

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện được tin có khả năng gia tăng áp lực lên Nhà Trắng khi nói đến Iran, cho dù bằng cách phản đối việc quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay thúc đẩy hành động nhiều hơn đối với các cuộc biểu tình hiện tại. Richard Goldberg, cựu nhà phân tích Iran tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và là cố vấn cấp cao tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ nhận định, một Hạ viện do GOP lãnh đạo sẽ làm phức tạp chính sách Iran của ông Biden.

“Đa số đảng viên tại Hạ viện có thể tổ chức các phiên điều trần, thông qua luật, và có lẽ quan trọng nhất là biểu quyết từ chối bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào trong tương lai” - ông Goldberg nói với The National. Chuyên gia này cho rằng, đặc phái viên của Tổng thống Biden về Iran - Robert Malley - có thể là mục tiêu của các cuộc điều trần đó.

“Robert Malley có khả năng phải đối mặt với việc bị Quốc hội chất vấn về những liên lạc của ông với Nga, hoặc cáo buộc về lời đề nghị trả hàng tỷ USD của ông cho các con tin… Nếu bạn là Malley, hẳn bạn phải suy nghĩ kỹ về việc có tiếp tục làm đặc phái viên Iran hay không” - chuyên gia Goldberg nêu quan điểm.

Và khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Iran liên quan đến cái chết của Mahsa Amini khi bị cảnh sát giam giữ, ông Goldberg lập luận rằng Quốc hội Mỹ mới sẽ gia tăng sự ủng hộ và áp lực lên Nhà Trắng để hành động một cách quyết đoán.

Đáng chú ý, một Hạ viện “màu đỏ” được cho sẽ khởi động các cuộc điều tra về việc rút lui đầy hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào năm ngoái - sự kiện đã kết thúc cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ, nhưng lại chứng kiến một cuộc tấn công liều chết nhằm vào người Mỹ và đồng minh, trong khi nhiều người Afghanistan đã ủng hộ Mỹ bị bỏ lại và lực lượng Taliban tiếp quản thủ đô Kabul với hàng tỷ USD thiết bị của Mỹ.

“Những thất bại chiến lược này là quá nghiêm trọng để bỏ qua. Đó là lý do tại sao các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện cam kết theo đuổi câu trả lời cho cuộc rút lui thảm khốc của Tổng thống Biden tại Afghanistan” - ông McCarthy và các thành viên đảng Cộng hòa khác thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã viết trong một bài xã luận vào tháng 8 năm nay, trước khi phát hành một báo cáo chính thức trình GOP về việc rút quân.

Kết quả báo cáo dài 115 trang nói trên bao gồm một số khuyến nghị, nhưng chủ yếu ưu tiên việc giám sát nhiều hơn. Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện cũng đã thúc đẩy việc loại bỏ một số ứng cử viên được đề cử bởi Nhà Trắng của ông Biden, vì những gì họ cho là thiếu minh bạch trong việc thực hiện lệnh rút quân.

“Chính các quan chức của Tổng thống Biden đã mô tả việc chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan là “một thất bại chiến lược”, và “một khúc kết tệ hại”. Tuy nhiên, cho đến nay, không có quan chức cấp cao nào của Chính phủ phải đứng ra chịu trách nhiệm” - báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dẫn đầu bởi ông McCaul có viết: “Ủy ban thiểu số tin rằng cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn để tìm ra câu trả lời đầy đủ về cách mà những điều này (sai sót trong việc rút quân) đã xảy ra, và làm thế nào để đảm bảo những điều như thế này không xảy ra một lần nữa”.

Hạ viện Cộng hòa được tin cũng sẽ soi xét chính sách đối ngoại của Mỹ ở Brazil, Chile hay Honduras - nơi nhiều nhà lãnh đạo cánh tả đã lên nắm quyền kiểm soát thời gian vừa qua. Dự kiến, Quốc hội mới của Mỹ sẽ họp phiên chính thức đầu tiên vào tháng 3/2023.