Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối ngoại tạo nguồn lực, thúc đẩy Hà Nội phát triển

TS Dương Minh Huệ - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ đối ngoại của TP với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với Thủ đô, TP của các nước trên thế giới.

Lãnh đạo TP Hà Nội nhận Bằng công nhận Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Ảnh: Hoàng Vy
Bước đột phá mạnh mẽ
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng bộ TP Hà Nội nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đối ngoại đối với phát triển Thủ đô và đất nước, tiến hành đổi mới các hoạt động đối ngoại toàn diện, đồng bộ.
Tháng 10/1986, Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ TP Hà Nội xác định: “Nhiệm vụ chính của công tác đối ngoại của TP là tạo thêm nguồn vốn từ nước ngoài, nhập thêm nguyên liệu cho sản xuất và nhập thiết bị kỹ thuật. Thủ đô có thể mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại bao gồm xuất nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ, xuất khẩu lao động, xuất khẩu tại chỗ, hợp tác kinh tế với nước ngoài, sử dụng tín dụng và tranh thủ viện trợ của cả nước”. Đây chính là bước đột phá mở ra hướng phát triển đối ngoại của Hà Nội. Trên cơ sở đó, Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo các hoạt động đối ngoại theo hướng củng cố, phát triển các mối quan hệ truyền thống, quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, chủ động hợp tác với các nước ASEAN và các nước quan trọng khác như Pháp, Hàn Quốc, Nga, Anh, Italia, Đức, Thụy Điển. Ở cấp độ đa phương, Hà Nội tích cực tham gia các diễn đàn, mạng lưới quốc tế, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật...
Ngày 30/10/2019, UNESCO đã chính thức công nhận Hà Nội vào mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi cho TP trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, đưa Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Các hoạt động đối ngoại của Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trên cả ba trụ cột là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngày càng để lại tình cảm sâu đậm trong lòng bạn bè khắp năm châu. Ngày 3/11/2015, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP nêu rõ nhiệm vụ đối ngoại là: “Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô”.
Với lợi thế của Thủ đô, công tác đối ngoại của Hà Nội không chỉ là đối ngoại với tư cách một TP mà còn là đối ngoại mang tầm vóc quốc gia, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Hà Nội tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, xác định công tác đối ngoại vừa nhằm quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Đối ngoại kinh tế được xác định là một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại chung của TP. Trong đó, năm 2017, TP Hà Nội ghi nhận những kết quả đột phá trong đối ngoại kinh tế.
TP đã tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, như: Tọa đàm “Gặp gỡ Canada”; “Tọa đàm về phát triển thành phố thông minh” với Bộ Thương mại Mỹ và 18 tập đoàn, DN hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố thông minh và chính phủ điện tử… Năm 2018, Hà Nội tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế một cách toàn diện. Đối ngoại chính trị, kinh tế, văn hóa được triển khai thiết thực đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành tựu, góp phần phát huy tiềm năng, tranh thủ hiệu quả nguồn ngoại lực cho phát triển, từng bước nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong quá trình hội nhập…
Định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh
Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Hà Nội đã phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế, vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Quan hệ giữa Thủ đô với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện. TP đã ký hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp hơn 204 đoàn ngoại giao, lãnh đạo các tập đoàn và DN quốc tế đến thăm và làm việc với Hà Nội.
Đặc biệt, TP đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ban, ngành T.Ư chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò TP chủ nhà của Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần hai (diễn ra vào ngày 27 và 28/2/2019). Sự kiện đó để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại của Hà Nội đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, TP của các nước, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 TP, Thủ đô của các nước. Trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ... Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội. Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế; là một trong 3 địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.