Để xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô có kỹ thuật lành nghề, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, thời gian qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, phát huy năng lực sáng kiến, sáng tạo.
Nhân dịp kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 01/5/2023), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh về những nội dung này.
Đồng hành và chia sẻ
Năm 2022 là một năm “sóng gió” của các DN khi nhiều đơn hàng bị giảm, dẫn đến người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Với vai trò của mình, Công đoàn Thủ đô đã có những sự chia sẻ, hỗ trợ ra sao để giảm bớt khó khăn cho người lao động, thưa ông?
- Trước tình hình DN bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động bị cắt giảm giờ làm, hoãn việc, mất việc dẫn đến giảm thu nhập, không còn thu nhập, cuộc sống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, LĐLĐ TP đã kịp thời chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai nhiều kế hoạch hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ).
Cụ thể, LĐLĐ TP đã xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.481 ĐVCĐ, NLĐ gặp khó khăn do thiếu việc làm, mất việc, bị nợ lương trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cùng đó, LĐLĐ TP triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hỗ trợ ĐVCĐ, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng với mức tiền từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Để đảm bảo "Tất cả ĐVCĐ, NLĐ đều có Tết”, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân viên chức lao động; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, nắm bắt tình hình chi trả lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Trong dịp này, Thường trực LĐLĐ TP đã thăm, động viên chúc Tết và tặng 1.400 suất quà cho ĐVCĐ, NLĐ tại 24 đơn vị, DN sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết. Cùng đó, thông qua nhiều hoạt động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho ĐVCĐ, NLĐ, trong đó, LĐLĐ TP và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã dành nguồn kinh phí hơn 74 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho 87.201 ĐVCĐ, NLĐ khó khăn nhân dịp Tết Quý Mão năm 2023, với mức từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Những hoạt động này đã để lại ấn tượng sâu sắc với ĐVCĐ, NLĐ. Mỗi công nhân viên chức lao động đều cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn và toàn xã hội.
Vậy thưa ông, cùng với những hoạt động hỗ trợ đó, LĐLĐ TP còn có các hoạt động gì để đồng hành, chăm lo toàn diện cho đời sống của người lao động?
- Nhằm quan tâm thường xuyên, liên tục, toàn diện tới NLĐ cả về vật chất lẫn tinh thần, trong các dịp kỷ niệm quan trọng như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 LĐLĐ TP đã tổ chức tôn vinh, tri ân lao động nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; tổ chức thăm hỏi, động viên nữ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn...
Đặc biệt, trong “Tháng Công nhân” đều tổ chức chuỗi sự kiện thường niên như: Tổ chức khám sức khỏe, tư vấn pháp miễn phí cho công nhân lao động; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo TP nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của NLĐ và có những điều chỉnh trong chính sách nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi chính đáng của người lao động...
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe và tạo sân chơi lành mạnh, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
Tạo diễn đàn để công nhân lao động phát huy năng lực sáng tạo
Trong Tháng Công nhân năm 2023 này, LĐLĐ TP sẽ làm gì để tăng cường gắn kết ĐVCĐ, CNLĐ với tổ chức Công đoàn cũng như làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVCĐ - CNLĐ, thưa ông?
- Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Để thực hiện chủ đề này, các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức đồng loạt một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm như: Tổ chức chương trình “Đối thoại Tháng 5”, diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”, hoạt động “Cảm ơn người lao động”... Thông qua các kênh thông tin, các cấp Công đoàn Thủ đô lắng nghe ý kiến, kiến nghị của ĐVCĐ, NLĐ; kịp thời tổng hợp, phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giải quyết.
Cùng với đó, các cấp công đoàn tổ chức chương trình “Mỗi công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”, rà soát, đẩy mạnh công tác thương lượng với người sử dụng lao động nhằm nâng cao phúc lợi, lợi ích cho ĐVCĐ, NLĐ, tạo chuyển biến mạnh về chăm lo những nhu cầu cơ bản, cần thiết của ĐVCĐ, công nhân lao động.
Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng phối hợp với chính quyền và chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động tổ chức lễ phát động, hưởng ứng Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023 gắn với hoạt động có ý nghĩa thiết thực với người lao động. Đồng thời, gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp; tổ chức truyền thông về 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023), Tháng Công nhân năm 2023 và các hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Thưa ông, hiện những thành tựu của nền công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thời cơ cũng như thách thức để phát triển đội ngũ công nhân Thủ đô, vậy LĐLĐ TP đã có những giải pháp nào để bồi dưỡng, phát triển đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay?
- Nhằm tạo điều kiện cho công nhân lao động trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, tay nghề, LĐLĐ TP đã triển khai các diễn đàn với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn. Cụ thể, LĐLĐ TP đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thi thợ giỏi với định kỳ 2 năm/lần nhằm tôn vinh những công nhân lao động có tay nghề cao, lao động sáng tạo trong phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”.
Tiếp nối thành công của các năm trước, năm nay Hội thi Thợ giỏi 2023 sẽ tiếp tục được tổ chức. Đồng thời, LĐLĐ TP cũng triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ công nhân viên chức lao động Thủ đô hăng say lao động sản xuất; phát huy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng hội nhập quốc tế.
Theo tôi, đây là những giải pháp thiết thực để góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo của đội ngũ công nhân, lao động, đồng thời tạo điều kiện để họ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ công nhân lao động Thủ đô đã có sự gia tăng về số lượng, đa dạng về cơ cấu và ngày càng sáng tạo, có tay nghề cao. Hiện Hà Nội có hơn 231.000 DN với 2,5 triệu công nhân lao động (chiếm 66% tổng số lao động của TP), trong đó, số công nhân đã qua đào tạo chiếm 62%.